Vì sao Mỹ phải điều động cả máy bay ném bom để hỗ trợ Nhật tìm xác máy bay?

Song Hy |

Động thái điều B-52 tới khu vực F-35A Nhật Bản gặp nạn của Mỹ được cho là đòn răn đe tới các quốc gia muốn trục vớt tiêm kích này để tìm hiểu công nghệ của Mỹ.

Khoảng 19h30 ngày 9/4, chiếc F-35A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản biến mất khỏi màn hình radar, nửa giờ sau khi cất cánh. Không quân Nhật sau đó xác nhận máy bay đã rơi xuống Thái Bình Dương.

Ngay sau khi xác định F-35A gặp nạn, Nhật đã cử 3 tàu chiến và 1 tàu cảnh sát biển tới khu vực nghi F-35A rơi nhưng chỉ tìm thấy các mảnh đuôi của chiếc phi cơ gặp nạn. Tung tích của phi công hiện cũng chưa rõ.

Mỹ, quốc gia bán F-35A cho Nhật cũng tích cực hỗ trợ quá trình tìm kiếm. Trong tuyên bố đưa ra hôm 10/4, hạm đội 7 của Mỹ cho biết đã điều máy bay trinh sát P-8A và khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Stethem tới khu vực máy bay Nhật mất tích.

Tuy nhiên, nhiều thông tin nói rằng Washington còn điều động 1 máy bay ném bom B-52 tham gia vào chiến dịch tìm kiếm này.

Theo một tài khoản mạng xã hội có tên Aircraft Spots thường xuyên theo dõi các chuyến bay của không quân Mỹ, một máy bay ném bom B-52 chiến lược của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam vào ngày 9/4 tới vùng biển phía đông của tỉnh Aomori, Nhật Bản, nơi chiếc F-35A của Lực lượng phòng không Nhật Bản bị mất liên lạc trong nỗ lực hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn.

Tuy nhiên, Mỹ sau đó phủ nhận thông tin này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 10/4 bác bỏ đồn đoán cho rằng Mỹ gửi B-52 để hỗ trợ đồng minh tìm kiếm. Tuy nhiên, ông không phủ nhận thông tin Mỹ điều B-52 tới khu vực F-35 rơi.

Theo lộ trình bay của chiếc B-52 được Aircraft Spots cung cấp, oanh tạc cơ Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Guam, hướng về hướng Tây Bắc sau đó chuyển sang hướng Bắc rồi lại chuyển về hướng Tây Bắc và cuối cùng là ở vùng biển phía đông tỉnh Aomori.

Theo các chuyên gia, hành trình dài như vậy không phù hợp với nhiệm vụ tìm kiếm hay cứu hộ. Sau khi tới vùng biển F-35 rơi, B-52 cũng không ở lại lâu mà mau chóng trở về, khác với hành trình bay vòng vòng để tìm trên mặt biển của các máy bay hỗ trợ tìm kiếm thông thường.

Nhiều ý kiến cho rằng khó để tin rằng B-52 được gửi tới để giúp tìm xác F-35 bởi nó không được trang bị radar tìm kiếm trên biển, máy dò từ tính và các thiết bị phát hiện biển khác.

Vì vậy họ cho rằng Mỹ có thể đã gửi máy bay ném bom tới như một động thái răn đe với Nga và Trung Quốc, hai nước được cho là cũng đang rất muốn thu thập được xác F-35 để mổ xẻ công nghệ mà Mỹ trang bị cho dòng máy bay này nhằm tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đối đầu tiềm năng trong tương lai.

Thậm chí một số chuyên gia cảnh báo nếu trục vớt được chiếc F-35 xấu số, Nga và Trung Quốc có thể sử dụng kỹ thuật đảo ngược để phát triển phiên bản F-35 của riêng mình.

Tướng không quân Mỹ nghỉ hưu David Deptula có cùng quan điểm khi khẳng định sẽ là cơn ác mộng với tương lai không quân Mỹ nếu Nga, Trung nhanh tay hơn trong công tác tìm kiếm.

"Cả Trung Quốc và Nga đều nắm trong tay khả năng đảo ngược và sao chép. Đặc biệt Trung Quốc còn là bậc thầy trong lĩnh vực này”, ông Deptula nói.

Lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc đang hiện diện khá đông ở Thái Bình Dương. Đặc biệt, Nga lại đang vận hành một hạm đội tàu ngầm bí mật có khả năng lặn xuống các vùng nước sâu để nghiên cứu.

Tuy nhiên, chuyên gia Justin Bronk tới từ Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh cho rằng phần mềm hệ thống của F-35 khó có thể khôi phục sau cú lao đầu xuống biển ở tốc độ cao cũng như tác động của muối biển.

Bên cạnh đó, Mỹ khi sản xuất F-35 cũng có thể đã tính toán thiết kế các bộ phận nhạy cảm trên chiến cơ này sao cho khi nó có rơi vào tay đối thủ, họ cũng khó có thể giải mã và áp dụng kỹ thuật đảo ngược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại