Thiếu vật tư, thiết bị y tế: Gấp lắm rồi!

Nhóm phóng viên |

Việc thiếu trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, điều trị cho người dân

Lãnh đạo một số bệnh viện (BV), nhất là các BV tuyến cuối, kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan vào cuộc tích cực và khẩn trương để sớm tháo gỡ tình cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất điều trị hiện nay tại các BV.

Hoạt động cầm chừng

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết các BV tuyến dưới khi hết vật tư, thiết bị y tế thì có giải pháp là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến cuối. Nhưng với Bạch Mai là BV tuyến cuối, không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được và sẽ phải tiếp nhận tất cả bệnh nhân được chuyển đến.

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, hiện BV vẫn duy trì những dịch vụ xét nghiệm cơ bản và các loại thuốc thiết yếu, song tình trạng khó khăn kéo dài thì các thiết bị không còn sức tải. BV cũng đã sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm và đang thực hiện các gói thầu mua tạm những thiết bị để có thể bảo đảm việc khám chữa bệnh.

"Chúng tôi đang phải dừng nhiều xét nghiệm chuyên sâu, chuyên khoa cũng như hạn chế chỉ định trong những trường hợp chưa thật cần thiết để dành cho bệnh nhân nặng, cấp cứu" - ông Cơ nói.

PGS-TS Đào Hùng Hạnh, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu - BV Bạch Mai, cho biết việc thiếu trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, điều trị cho người dân.

Những năm gần đây, người dân đã chủ động đi tầm soát bệnh theo định kỳ. Để chẩn đoán, phát hiện sớm, ngoài việc tuân thủ các bước khám cơ bản (nhìn, sờ, gõ, nghe), còn cần các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại như siêu âm, X-quang, thậm chí là các máy chuyên sâu hơn như máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI).

Tại thời điểm này do thiếu máy CT, MRI nên nhiều bệnh nhân phải hẹn 4-5 ngày mới được chụp, chiếu. BV Bạch Mai phải chuyển không ít bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện các kỹ thuật hoặc điều trị chuyên sâu, điều này gây không ít phiền toái cho người bệnh.

Thiếu vật tư, thiết bị y tế: Gấp lắm rồi! - Ảnh 1.

Bệnh nhân chờ đợi đến lượt xạ trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Liên quan trang thiết bị y tế, TS-BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - đã gửi Bộ Y tế và Vụ Pháp chế báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022, những khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm tại BV này.

Thực tế, việc kê khai và công khai giá trang thiết bị y tế hiện chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình tính năng. Giá kê khai của trang thiết bị y tế chưa được kiểm soát, có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Điều này dẫn đến BV không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế xây dựng giá gói thầu để mua sắm.

Trước đó, lãnh đạo BV Việt Đức cũng cho biết việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như CT, MRI, máy siêu âm màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì.

"Vấn đề cấp bách hiện nay là Nghị quyết 144 cần sớm sửa đổi theo hướng cho phép các BV tiếp tục kéo dài thời gian đặt máy móc, máy mượn sau khi đấu thầu trúng hóa chất, cho đến khi những văn bản pháp quy chuẩn ra đời thay thế. Cùng với đó, BV Bạch Mai cũng đề xuất Bộ Y tế xem xét cấp cho BV một nguồn ngân sách tạm thời để có thể mua được những thiết bị khẩn cấp phục vụ công tác khám chữa bệnh" - PGS-TS Đào Xuân Cơ kiến nghị.

Trong thời gian chờ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoàn thiện, đáp ứng được việc đấu thầu qua mạng đối với tất cả gói thầu, một số BV đề nghị Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu thông thường. Phương án này nên triển khai đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần để bảo đảm việc cung ứng thuốc, vật tư y tế được đầy đủ, kịp thời.

Kiến nghị được tự mua sắm

Trước những khó khăn chung của ngành y tế, TS-BS Nguyễn Tri Thức mong các bộ, ngành cùng chung tay giải quyết khó khăn với ngành y tế.

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, hiện BV gặp 2 vấn đề lớn, cụ thể là xây dựng giá gói thầu dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Hiện việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá. Đơn cử, với gói thầu stent mạch vành, do không đủ 3 báo giá nên chưa thể đấu thầu mua sắm.

"Đặc thù bệnh nhân của tuyến cuối là tình trạng bệnh nhân rất nặng, cần có máy móc, trang thiết bị hiện đại trong quá trình điều trị. Trong khi đó, các thiết bị hiện đại gần như 100% độc quyền. Chúng tôi mong các cơ quan quản lý cho phép BV tự mua và lựa chọn thương hiệu" - BS Thức đề xuất.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị cho phép các BV được sử dụng hình thức máy đặt, máy mượn, máy xét nghiệm. "Hệ thống máy xét nghiệm rất đắt tiền; bên cạnh đó, nếu mua máy thì cũng phải mua cả hóa chất, thậm chí cả dung dịch rửa máy (vì phải đi kèm máy). Do đó, nếu bỏ tiền mua máy thì cuối cùng cũng phải sử dụng hóa chất, chất rửa này. Không chỉ vậy, khi hư hỏng rất khó khăn để sửa chữa…" - BS Thức giải thích.

Mới đây, Sở Y tế TP HCM cũng có báo cáo gửi Bộ Y tế về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo Sở Y tế TP HCM, các cơ sở y tế đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để mua sắm thuốc, sửa chữa trang thiết bị. Tuy nhiên, các cơ sở y tế thuộc ngành y tế TP HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm và sửa chữa trang thiết bị y tế vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do không xác định được giá dự toán của gói thầu; hết hạn giấy phép nhập khẩu và giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; khó thực hiện đấu thầu qua mạng…

Được thanh toán theo cơ chế đặc thù

BS Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã có công văn gửi Bộ Y tế về những vướng mắc trong hoạt động mua sắm, đấu thầu và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn.

Theo đó, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép năm 2022 không tính tổng mức thanh toán theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mà được quyết toán theo mức chi thực tế đã chi dùng cho người bệnh để giảm khó khăn cho các đơn vị trong thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT.

Cụ thể, tại BV Đà Nẵng, dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 vào tháng 7-2020 khiến hoạt động của BV bị gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề. Tổng mức thanh toán của BV giảm rất nhiều so với chi phí thực tế phát sinh khám chữa bệnh đã sử dụng cho người bệnh với số tiền được xác định vượt tổng mức trong năm 2020 là hơn 80 tỉ đồng. BV Đà Nẵng đề nghị Bộ Y tế xem xét để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh năm 2020 theo cơ chế đặc thù, không áp dụng tổng mức thanh toán như năm 2021.

BV Ung bướu Đà Nẵng cũng gặp tình trạng tương tự khi chi vượt mức chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021 so với năm 2020 gần 20 tỉ đồng nhưng không được thanh toán. BV Ung bướu Đà Nẵng còn gặp khó khăn do thiếu thuốc điều trị cục bộ ở một số khoa, phòng, chuyên môn. Trong đó, một số máy CT phải dừng hoạt động do hệ thống đèn chiếu bị hỏng cần thay nhưng không tìm được nhà thầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Khó khăn sẽ được giải quyết sớm

Tại lễ tôn vinh nữ tri thức tiêu biểu ngành y vào sáng 2-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết những khó khăn của ngành y tế đang được Chính phủ cùng Bộ Y tế và các bộ - ngành tích cực tháo gỡ. "Trong vài ngày tới, những văn bản sắp ban hành sẽ mở ra cơ chế tháo gỡ khó khăn hiện nay của ngành y tế" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, làm việc với Bộ Y tế và các bộ - ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để thiết kế, đưa vào dự thảo Nghị định phương án hậu kiểm thay thế cho phương thức tiền kiểm, thẩm định trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành; chế định doanh nghiệp về trách nhiệm báo cáo, giải trình, công khai...

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có một nhà cung cấp...

N.Dung

Hàng nằm ngoài cảng rất nhiều

Theo ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu BV Chợ Rẫy, trong những vướng mắc mà BV đang gặp có vấn đề làm ảnh hưởng rất lớn. Đó là giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế hiện nay hầu như là hết hạn nên nhiều đơn vị cung ứng không nhập khẩu được. Hàng hóa đang nằm ngoài cảng rất nhiều nhưng không thông quan được. Rất nhiều kiến nghị cho gia hạn, đặc biệt là mặt hàng thuốc, nhưng chưa được giải quyết.

Ng.Thạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại