Trong bối cảnh mạng xã hội và các ứng dụng phần mềm thường bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra hành vi lệch lạc ở giới trẻ, một trường hợp ở Anh đã cho thấy việc đổ lỗi quá mức cho công nghệ mà bỏ qua các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là rất nguy hiểm.
Theo truyền thông Anh, cô bé Jessica (15 tuổi) con gái của chị Helen Huitson, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng kỳ lạ từ tháng 3/2021. Cô bé không thể ngồi yên, hay xuất hiện các cơn co giật, rối loạn ngôn ngữ, liên tục nói xin lỗi rồi tăng dần các từ ngữ xúc phạm người khác. Có những ngày, cô bé phải trải qua tới 120 cơn co giật do động kinh.
Khi chị Huitson đưa con gái đến bệnh viện địa phương, các bác sỹ quy kết triệu chứng của Jessica là do "lo lắng". Họ thậm chí còn nói bóng gió rằng có thể do cô bé xem quá nhiều TikTok và bắt chước các triệu chứng cô thấy trên mạng. Nói cách khác, Jessica rất có thể đang giả vờ bị bệnh giống như một số người.
Phẫn nộ trước kết luận này, Huitson tích cực tìm kiếm các ý kiến y tế và cách điều trị khác. Cuối cùng, một phòng khám tư đã phát hiện nguyên nhân. Hóa ra Jessica mắc chức rối loạn tâm thần kinh tự miễn ở trẻ em (PANDAS) liên quan đến tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn.
PANDAS được coi là một tình trạng tự miễn và tâm thần kinh do phản ứng miễn dịch bất thường đối với nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm lo lắng, co giật, trầm cảm, suy giảm thành tích học tập đột ngột, có các bất thường về vận động hoặc cảm giác và mất ngủ.
Đáng chú ý, Jessica đã bị viêm amidan 5 tháng trước khi các triệu chứng xuất hiện, phù hợp với đặc điểm của PANDAS - thường xảy ra sau nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
Hiện tại, Jessica được điều trị tại khoa Nhi của NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) ở Darlington. Tuy nhiên, do PANDAS là một bệnh hiếm, hướng dẫn điều trị và nguồn lực cho bệnh này còn rất hạn chế. Chị Huitson đang tích cực gây quỹ để trang trải chi phí y tế của con gái.
Sau khi câu chuyện của Jessica được truyền thông đưa tin, nhiều người lo ngại về việc đổ lỗi quá mức cho mạng xã hội mà bỏ qua các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về các bệnh hiếm và cải thiện chẩn đoán trong hệ thống y tế.
(Nguồn: Sina)