Nhầm với hăm
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của bé cho biết từ 2 tháng nay bé thường xuyên bị viêm da chảy dịch. Bé đã được đưa đi khám bác sĩ cho biết viêm da do thiếu kẽm và đã được kê đơn thuốc kháng viêm nhưng điều trị mãi không khỏi.m
Chị Lan kể sinh bé được hơn 1 tháng thì chị bị tắc tia sữa và phải điều trị dẫn đến mất sữa. Vốn ít sữa nên khi sinh bé ra chị đã cho sử dụng thêm sữa ngoài, đến 2,5 tháng thì bé cai sữa mẹ hoàn toàn.
Tuy nhiên, từ đó trở đi mỗi tháng bé đều bị tiêu chảy vài lần, nhiều lần chị cho bé đi khám tiêu chảy nhưng không ra bệnh, chỉ đến khi các bệnh tổn thương trên da nặng hơn thì mới chẩn đoán ra thiếu kẽm bẩm sinh. Đến nay, bé H đã qua 3 đợt trị liệu nhưng tình hình bệnh vẫn phải theo dõi thêm.
Trường hợp của bé Trần B.B. 7 tháng tuổi trú tại Ninh Bình cũng tương tự. Bé B. thường xuyên bị viêm da nổi lên các dát đỏ, có mụn nước. Những ngày đầu, những tổn thương này ở quanh vùng tã lót nhưng sau đó lan rộng.
Bố mẹ của bé tưởng đó là bệnh lý do tã lót hay còn gọi là hăm nên mua thuốc về bôi và rửa nhưng không đỡ. Chỉ khi vết dát đỏ lan rộng bé B. mới đến viện khám. Bác sĩ nghi ngờ vảy nến. Bố mẹ bé không tin vì gia đình không có ai bị bệnh này nên đưa bé ra trung ương kiểm tra. Kết quả bé B. cũng bị thiếu kẽm gây ra các phản ứng viêm da.
Thiếu kẽm gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Không chỉ bị viêm da, do thiếu kẽm mà bé còn bị viêm tụ cầu dẫn đến mụn nhọt. Các bác sĩ cảnh báo đây là bệnh nguy hiểm vì tụ cầu vàng đã có vi khuẩn kháng kháng sinh nếu không may bệnh tiến triển mạnh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây tử vong cho người bệnh.
Trường hợp của chị Bùi H. Y 36 tuổi trú tại Hà Nội cho biết gần đây da ở vùng mông, mặt trong 2 đùi, bẹn, bụng, và chung quanh miệng xuất hiện nhiều mảng hồng ban đau, tróc vẩy. Ngoài ra, chị còn bị rụng tóc, 2 bàn tay và 2 bàn chân cũng bị bong da rất nhiều, không thể ăn uống bình thường được vì miệng và lưỡi rất đau. Sau khi làm xét nghiệm bác sĩ cho biết chị bị mắc bệnh do thiếu kẽm.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết kẽm là một vi khoáng nhiều thứ 2 sau sắt, người trưởng thành chứa khoảng 1,5-2,5g kẽm. Khoảng 90% kẽm tập trung ở cơ và xương Trên 95% kẽm của cơ thể gắn với các metalloenzym (MT) của tế bào và màng tế bào. Kẽm huyết tương chiếm 0,1% lượng kẽm trong cơ thể; thay đổi rất nhanh tuỳ theo tình trạng sinh lý và lượng kẽm trong thức ăn.
Trên 80% kẽm trong máu được tập trung trong các tế bào máu. Hồng cầu người có khoảng 1mg kẽm/106 tế bào và bạch cầu có khoảng 6mg kẽm/106 tế bào. Nếu nghi ngờ do thiếu kẽm bác sĩ có thể xét nghiệm máu chẩn đoán thiếu kẽm.
Mẹ bầu thiếu kẽm con nguy hiểm
PGS Lê Bạch Mai – Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho biết ở Việt Nam tình trạng thiếu kẽm rất đáng báo động nhưng nhiều người vẫn chưa để ý đến nó. Đây là 1 trong 4 chất thiếu đã được cảnh báo từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi.
Năm 2015 tỷ lệ thiếu kẽm có giảm nhưng so với kết quả điều tra năm 2010, trẻ em dưới 5 tuổi 70% thiếu kém, 80% phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng thiếu kẽm.
Tỷ lệ người thiếu kẽm chung là khoảng 69%. 73% chị em sinh đẻ ở miền núi và 83% phụ nữ mang thai ở vùng núi thiếu kẽm. Nếu không bổ sung kẽm thì việc thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai gây thiếu kẽm bẩm sinh gây ra các bệnh lý cho trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Các bệnh lý do thiếu chất kẽm thường là chậm phát triển thể lực, tâm thần; các bệnh về mắt, da, tóc và niêm mạc; suy giảm chức năng sinh dục; dễ bị nhiễm khuẩn, lâu lành vết thương; các bệnh lý dạ dày-ruột, suy dinh dưỡng, nhầm lẫn mùi vị, rối loạn tâm-thần kinh... và thiếu kẽm có thể làm một số bệnh lý tim mạch phát triển.
Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân chính khiến nam giới suy giảm ham muốn tình dục vì kẽm không chỉ có tác dụng kích thích hormone sinh dục nam testosterone mà còn giúp tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, phòng chống nguy cơ vô sinh, chứng bất lực và thiếu ham muốn trong chuyện gối chăn.