Thiệt hại tại Ukraine lên tới con số không tưởng?

Xuân Mai |

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass hôm 21-4 cho biết thiệt hại đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng của Ukraine trong chiến dịch quân sự của Nga đã lên tới 60 tỉ USD và sẽ còn tăng thêm khi cuộc xung đột tiếp diễn.

Tổng thống Ukraine cho rằng Ukraine cần 7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine cho rằng Ukraine cần 7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại hội nghị của Ngân hàng Thế giới về vấn đề hỗ trợ tài chính cho Ukraine, ông Malpass cho rằng ước tính sớm về chi phí thiệt hại "hạn chế" nêu trên chưa bao gồm tổn thất kinh tế trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại sự kiện, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề ra chi phí và nhu cầu tài chính lớn hơn nhiều, đồng thời cho rằng Ukraine cần 7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga.

Ông Zelensky cho hay: "Chúng tôi sẽ cần hàng trăm tỉ USD để xây dựng lại tất cả sau này". Ông cho rằng cộng đồng toàn cầu cần lập tức loại Nga khỏi các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khác, đồng thời kêu gọi các nước cắt đứt mọi quan hệ với Nga.

Ông Zelensky cũng kêu gọi các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga sử dụng số tiền đó để giúp tái thiết Ukraine sau xung đột và chi trả cho những tổn thất mà các nước khác phải gánh chịu.

Thiệt hại tại Ukraine lên tới con số không tưởng? - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine cho rằng Ukraine cần 7 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga. Ảnh: Reuters

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng Nga nên chịu trách nhiệm một số chi phí tái thiết tại Ukraine. Bà Yellen nhấn mạnh: "Rõ ràng là chi phí xây dựng lại ở Ukraine sẽ rất lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên theo đuổi việc yêu cầu Nga bằng cách này hay cách khác giúp cung cấp những thứ cần thiết cho Ukraine trong việc xây dựng lại".

Bên cạnh đó, bà Yellen cũng cảnh báo rằng việc sử dụng nguồn dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị tịch thu ở Mỹ để tái thiết Ukraine sẽ là một "bước đi quan trọng" cần các cuộc thảo luận và thỏa thuận với các đối tác quốc tế.

Theo Reuters, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, người trực tiếp tham dự hội nghị, cho biết GDP của Ukraine có thể giảm từ 30% đến 50%, với tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới 560 tỉ USD cho đến nay. Con số đó cao hơn 3 lần quy mô nền kinh tế Ukraine, ở mức 155,5 tỉ USD vào năm 2020, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Ông Shmyhal nói: "Nếu chúng ta không cùng nhau ngăn chặn cuộc chiến này, tổn thất sẽ tăng lên đáng kể". Theo Thủ tướng Ukraine, Ukraine sẽ cần một kế hoạch xây dựng lại tương tự như Kế hoạch Marshall thời hậu Thế chiến 2, vốn giúp tái thiết một châu Âu bị chiến tranh tàn phá.

Điện Kremlin lên tiếng về dự thảo hòa bình

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 21-4 cho rằng việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chưa nhận được dự thảo hòa bình mà Moscow gửi đã "gây nên những nghi vấn nhất định".

Một ngày trước đó, cũng chính ông Peskov thông báo đã chuyển dự thảo trên cho Kiev nhưng trong cuộc họp báo với Chủ tịch Nghị viện EU Charles Michel sau đó cùng ngày, Tổng thống Zelensky nói: "Tôi chắc chắn là họ (Moscow) chưa gửi cho chúng tôi bất kỳ thứ gì".

Dù vậy, ông Peskov nói thêm là Moscow vẫn chờ câu trả lời từ phía các nhà thương thuyết Ukraine, theo đài RT.

Vòng đàm phán gần đây nhất giữa Moscow và Kiev diễn ra hôm 29-3. Đến ngày 12-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đàm phán đang đi vào ngõ cụt do Ukraine từ chối đáp ứng các yêu cầu then chốt của Nga, bao gồm công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và công nhận 2 cộng hòa (tự xưng) ở vùng Donbas độc lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại