Glaucoma là một bệnh ở mắt do áp lực nội nhãn tăng cao chèn ép thị thần kinh làm tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến tình trạng mất dần thị trường. Glaucoma có thể xảy ra tự phát hay sau một bệnh lý nào đó tại mắt hoặc toàn thân. Glaucoma nguyên phát bao gồm glaucoma góc đóng và glaucoma góc mở. Glaucoma góc mở có triệu chứng âm ỉ, khó phát hiện và thường ở cả 2 mắt; thường phát hiện một cách tình cờ. Glaucoma góc đóng triệu chứng ồn ào, rầm rộ: đau nhức mắt, nhìn mờ, quầng xanh đỏ, nhức nửa đầu bên mắt bị đau. Glaucoma thứ phát: bệnh glaucoma xảy ra sau bệnh toàn thân hoặc tại mắt hoặc sau dùng các thuốc có nguy cơ gây tăng nhãn áp.
Ai dễ mắc?
Bệnh glaucoma thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi nhưng phổ biến nhất ở người độ tuổi 70 và 80, đặc biệt là ở những phụ nữ hay lo nghĩ, căng thẳng.
Bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 6 lần.
[Đọc thêm: Làm 'chuyện ấy' vào buổi sáng có những lợi ích khó tin mà bạn chưa biết]
Bệnh không có biểu hiện nhiễm trùng, ở bệnh nhân là người lớn tuổi dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão thị. Do đó, bệnh thường được phát hiện muộn, bệnh nhân đến khám khi mắt đã mờ hẳn thì đã quá trễ vì các tổn thương thần kinh thị giác không phục hồi được.
Hình ảnh mắt bị glaucoma.
Nhận biết có khó?
Có 2 loại glaucoma: loại tiến triển nhanh (cấp tính) và loại tiến triển âm thầm, chậm chạp (mạn tính). Có trường hợp bệnh nhân bị cườm nước ở một mắt nhưng cũng có người bị bệnh ở cả hai mắt.
Ở dạng tiến triển cấp tính, người bệnh thấy nhức mắt, nhức nửa đầu, đôi khi rất dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hay nôn mửa, đau bụng, nhìn thấy các màu giống “cầu vồng”, hay thị lực giảm sút (nhìn mờ), mắt đỏ, cảm giác căng cứng, đồng tử giãn (con ngươi nở lớn).
Dạng tiến triển âm thầm rất khó nhận biết, thường người bệnh chỉ có cảm giác hơi xốn, mắt mỏi, đôi khi cảm thấy mắt mờ. Cả 2 trường hợp cấp tính hoặc mạn tính, bệnh nhân đều bị tổn thương thần kinh thị giác. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là điều cực kỳ quan trọng.
Những công cụ chẩn đoán
Đo thị lực: Thử nghiệm biểu đồ mắt giúp đo lường mức độ nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau; Đo thị trường: kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi giúp xác nhận triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi - một dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp; Soi đáy mắt: bác sĩ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra võng mạc và thần kinh thị giác để phát hiện các vấn đề về mắt; Đo nhãn áp: là phép đo áp lực bên trong mắt bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp; Kiểm tra giác mạc là phương pháp đo độ dày của giác mạc; Chụp cắt lớp dây thần kinh (OCT): kiểm tra phát hiện tổn thương đầu dây thần kinh thị giác và các lớp sợi thần kinh võng mạc
Điều trị sớm là tốt nhất
Điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, đó là lý do tại sao chẩn đoán bệnh sớm rất quan trọng. Các biện pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm thuốc, phẫu thuật tạo hình bằng tia laser, phẫu thuật thông thường.
Các loại thuốc, dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên, làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ; Phẫu thuật bằng laser: bác sĩ sẽ dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty), quá trình lành vết thương sẽ co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch; Phẫu thuật thông thường: tạo cho một lỗ hở cho chất dịch ra khỏi mắt. Bác sĩ sử dụng các công cụ phẫu thuật để tạo ra một lỗ nhỏ dưới kết mạc (lớp xung quanh mắt). Các chất lỏng tích tụ có thể chảy qua lỗ, và sau đó hấp thụ vào máu.
Để sớm phát hiện bệnh cườm nước, khi mắt có triệu chứng mờ, đau nhức, người bệnh không tự ý dùng thuốc, mà phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp và điều trị bệnh. Với người trên 40 tuổi (đặc biệt là phụ nữ) thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính và làm việc trong điều kiện căng thẳng tinh thần thì nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.