Thị trường máy bay chiến đấu châu Á: "Sóng thần" đang ập đến

Tuấn Sơn |

Nhu cầu mua sắm máy bay chiến đấu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tiếp tục tăng nhiệt do những tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển đảo giàu tài nguyên.

Theo DefenseNews, nhu cầu đặt mua máy bay chiến đấu thế hệ mới ở khu vực này vẫn liên tục tăng, gắn liền với xu thế tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia tại đây.

Cùng với đó, trong thập kỷ tới, một số quốc gia đang đứng trước yêu cầu bắt buộc phải thay thế toàn bộ hay một phần lớn lực lượng máy bay chiến đấu đã cũ - chủ yếu được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, những bất ổn về kinh tế đang phủ bóng mây đen lên ngành công nghiệp quốc phòng, ảnh hưởng tới chi tiêu quân sự và những ưu tiên hàng đầu được các quốc gia trong khu vực cân nhắc rất kỹ, trong đó, máy bay chiến đấu mới luôn là mối quan tâm số 1.

Dưới đây là danh sách các quốc gia châu Á được dự báo sẽ dồn tiền cho hiện đại hóa lực lượng không quân với nhiều chương trình mua sắm cực lớn.

Nhật Bản

Hoa Kỳ, đồng minh của Nhật Bản đang phải vất vả đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong việc tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đông.

Và, mặc dù Không quân phòng vệ Nhật Bản hiện đang có trong tay một lực lượng máy bay tiêm kích được đánh giá là mạnh nhất khu vực với hơn 150 tiêm kích F-15J sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ, cùng 60 tiêm kích Mitsubishi F-2 nội địa nhưng trước những động thái mới của Trung Quốc khiến họ cũng phải hiện đại hóa nhanh hơn.

Thị trường máy bay chiến đấu châu Á: Sóng thần đang ập đến - Ảnh 1.

Tiêm kích F-15J của Lực lượng Không quân phòng vệ Nhật Bản.

Hiện nay, Nhật Bản rất muốn khởi động lại chương trình sản xuất máy bay chiến đấu nội địa, và Mitsubishi Heavy Industries đã tiến hành bay thử nghiệm thành công mẫu chiến đấu cơ tương lai ATD-X lần đầu tiên vào tháng 2/2016.

Chính phủ nước này dự kiến sẽ ra quyết định cuối cùng về việc đặt mua dòng máy bay thế hệ 6 này vào năm 2018 để trang bị cho Không quân của mình. Họ cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế để cùng hoàn thiện.

Nhật Bản cũng đã đặt mua 38 chiếc tiêm kích tiến công liên hợp Lockheed-Martin F-35A Lightning II với mục đích thay thế các máy bay tiêm kích F-4EJ Phantom II đã cũ bắt đầu từ năm 2018.

Mặc dù Nhật Bản chưa từng đề cập tới số lượng tiêm kích F-35 cuối cùng sẽ được đặt mua, nhưng rõ ràng, với tiến độ của chương trình chế tạo máy bay chiến đấu nội địa cùng sự già cỗi nhanh chóng của lực lượng máy bay hiện có trong biên chế sẽ khiến nhu cầu F-35 tăng thêm nhiều hơn nữa.

Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ ở Đông Nam Á trấn giữ điểm cuối eo biển Malacca ở phía Nam, nơi có tuyến đường biển tấp nập và quan trọng bậc nhất thế giới.

Quốc đảo này là một trong những đối tác an ninh khu vực thân thiết và là một điểm tựa cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, hiện đang là "căn cứ" triển khai các tàu tác chiến ven bờ và cung cấp các dịch hỗ trợ cho các chuyến máy bay, tàu thuyền của Hải quân Mỹ quá cảnh ở đây.

Singapore đang theo dõi sát sao chương trình tiêm kích F-35 và đang có những đánh giá về dòng máy bay này.

Đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen đã bày tỏ răng F-35 là "máy bay thế hệ mới thích hợp" đối với Không quân Singapore, và có nguồn tin cho rằng dường như họ đã đặt mua phiên bản F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).

Thị trường máy bay chiến đấu châu Á: Sóng thần đang ập đến - Ảnh 2.

Tiêm kích thế hệ 5 F-35B do Mỹ chế tạo.

Tuy nhiên, ông Ng cũng nói thêm rằng Singapore không vội vã đặt mua F-35, và nhấn mạnh rằng 60 máy bay tiêm kích Lockheed-Martin F-16 và 40 chiếc Boeing F-15SG hiện vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quốc đảo này cho tới tận những năm 2030.

Có lẽ họ sẽ chờ cho chương trình phát triển F-35 thật hoàn thiện trước khi chính thức đặt mua, và nhiều khả năng Singapore - vốn có mối quan hệ quốc phòng rất khăng khít với Israel, có thể sẽ yêu cầu một phiên bản F-35 chuyên biệt theo yêu cầu riêng của Không quân nước này.

Indonesia

Indonesia đang đẩy nhanh tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội sau khi nền kinh tế nước này có sự hồi phục tốt. Không quân quốc gia này đang trong quá trình tiếp nhận 24 chiếc tiêm kích F-16C/D Block 25 sau khi chúng được nâng cấp lên chuẩn Block 52.

Họ cũng đang xúc tiến quá trình đàm phán đặt mua từ 8 tới 10 chiếc tiêm kích Su-35 Flanker-E từ Nga. Đã có những "kẻ ngáng đường" khiến việc ra quyết định cuối cùng gặp nhiều trắc trở, đó là sự xuất hiện của các đối thủ Lockheed-Martin F-16 và Saab JAS-39 Gripen.

Thị trường máy bay chiến đấu châu Á: Sóng thần đang ập đến - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-35 của Không quân Nga.

Tuy nhiên, đất nước Vạn Đảo (với 13.000 hòn đảo bao phủ diện tích 735.358 dặm vuông) dường như thiên về những chiếc tiêm kích tối tân của Tập đoàn Sukhoi, khi nhu cầu về những loại máy bay chiến đấu tầm xa, uy lực của Không quân Indonesia trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Và, dường như họ sẽ yêu cầu đối tác (Sukhoi) muốn được trao cơ hội thì bắt buộc phải chuyển giao công nghệ để Indonesia tự sản xuất từng phần hoặc toàn bộ dòng máy bay chiến đấu ở trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại