Thiện xạ "bất đắc dĩ" lập công lớn: Hạ gục 5 xe tăng, đập nát chiến thuật "trâu rừng"

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Phát bắn đầu tiên, đạn vẫn gần. Thái tăng thước ngắm lên 1.800, bắn phát thứ hai. Chiếc xe tăng địch bùng cháy cùng với thông báo từ Sở chỉ huy: "Đạn trúng!".

Trong chiến tranh không hiếm những tình huống bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến. Song nếu có một bản lĩnh vững vàng người chiến sĩ vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, thậm chí lập công lớn.

Đó là chuyện thường gặp trong chiến tranh. Và một trong số đó là câu chuyện của Đại tá Nguyễn Văn Thái - nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).

Từ chức vụ đại đội trưởng bị "bỏ bom"

Tháng 3 năm 1972, thiếu úy Nguyễn Văn Thái đang giữ chức vụ đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 512, Trung đoàn xe tăng 203. Lúc này, đơn vị anh đang ở vị trí tập kết tại khu vực đập Cẩm Ly (Quảng Bình).

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, anh tham gia cùng đoàn cán bộ của Sư đoàn bộ binh 308 và Mặt trận B5 đi trinh sát chiến trường.

Nhiệm vụ trinh sát chưa xong thì Nguyễn Văn Thái được lệnh quay ra để đón đơn vị vào. Đường quay ra do trinh sát của mặt trận dẫn. Lạ nước lại cái nên anh chỉ biết lẳng lặng đi theo họ. Đến phía bắc miếu Bái Sơn khoảng 4-5 km thì đoàn gặp một đơn vị xe tăng đang cơ động vào.

Thiện xạ bất đắc dĩ lập công lớn: Hạ gục 5 xe tăng, đập nát chiến thuật trâu rừng - Ảnh 1.

Bộ đội Tăng – Thiết giáp quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc năm 1972.

 Thái mừng quá bèn vẫy cho chiếc xe đi đầu dừng lại định hỏi thăm Đại đội xe tăng 6 có đi cùng không và đang ở đâu. Không ngờ một người đang đứng trên cửa trưởng xe hỏi vọng xuống: "Đồng chí là Thái phải không?".

Khi anh gật đầu xác nhận thì người đó nói luôn: "Từ giờ phút này đồng chí là đại đội trưởng Đại đội 7. Đây là đơn vị của đồng chí!".

Thái thật sự ngạc nhiên! Sao lại có đoạn bổ nhiệm cán bộ như "bỏ bom" thế này? Chưa kịp phản ứng ra sao thì người đó lại tiếp luôn:

"Nhiệm vụ của đại đội đồng chí là đi theo đường công binh mới mở để đánh vào Đông Hà. Đi cùng với đại đội đồng chí có xe của chính trị viên phó tiểu đoàn Đổng Quốc Sự ở phía sau kia. Còn tôi chỉ biết truyền đạt lại lệnh của Trung đoàn thế thôi!".

Mãi sau này anh mới biết người truyền đạt mệnh lệnh cho anh đêm hôm ấy là Trợ lý Quân lực của binh chủng TTG.

Vậy là Nguyễn Văn Thái đã chính thức trở thành đại đội trưởng Đại đội 7 trong hoàn cảnh như thế!

Không chút ngần ngừ và cũng chẳng kịp hỏi vì nguyên cớ gì mà lại có chuyện bổ nhiệm bất ngờ như vậy, Nguyễn Văn Thái lên xe chỉ huy và thực hành ngay quyền đại đội trưởng đưa đơn vị đến vị trí tập kết chiến đấu theo quy định.

Cho đến chiều hôm sau, trong buổi hội ý bàn kế hoạch chiến đấu anh biết chắc chắn là ở đại đội này mình chỉ biết duy nhất một người - đó là trung đội trưởng Tiếm, người đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày.

Nhiệm vụ của Đại đội xe tăng 7 là tiến công Đông Hà từ hướng Bắc. Muốn vậy, trước hết phải "nhổ" được cứ điểm Quán Ngang.

Sau khi nắm tình hình địch qua bộ binh và trinh sát sơ bộ vì thời gian chuẩn bị quá ngắn Thái quyết định tiến công Quán Ngang theo 2 hướng, trong đó hướng chủ yếu từ phía tây và hướng đón lõng ở phía nam.

10 giờ sáng ngày 01.4.1972, trận đánh bắt đầu. Dưới áp lực dữ dội của pháo xe tăng và các loại hỏa lực của bộ binh, sau hơn 1 giờ chống trả quyết liệt quân đồn trú tại Quán Ngang buộc phải rút chạy.

Tuy nhiên, ý định thừa thắng tiến công Đông Hà theo Quốc lộ 1 đã không thực hiện được vì dân chúng chạy loạn quá đông, sau đó địch lại đánh sập cầu Đông Hà biến con sông Hiếu thành một vật cản thiên nhiên lợi hại cản bước quân ta.

Vậy là mới nắm đơn vị được chưa đầy 2 ngày, với bản lĩnh chiến đấu vững vàng Nguyễn Văn Thái đã chỉ huy đơn vị giành thắng lợi đầu tiên. Điều đó cũng giúp cho anh giành được sự tin cậy của cán bộ, chiến sĩ trong đại đội.

Thiện xạ bất đắc dĩ lập công lớn: Hạ gục 5 xe tăng, đập nát chiến thuật trâu rừng - Ảnh 2.

Trung đoàn BBCG 202 tấn công vào sân bay Quảng Trị, ngày 1/5/1972.

 Đến pháo thủ "bất đắc dĩ"

Sau những ngày đầu chiến dịch giành chiến thắng vang dội, cuộc tiến công trên mặt trận Quảng Trị bị chững lại trước sự kháng cự mãnh liệt của các lực lượng VNCH đồn trú ở đây. Đặc biệt, trong ngày 09 tháng 4 năm 1972, xe tăng ta bị tổn thất khá lớn trên tất cả các hướng.

Sau khi nghiên cứu các thủ đoạn của địch các thủ trưởng Bộ Tư lệnh TTG và Trung đoàn xe tăng 203 rút ra kết luận: để chống lại sức tiến công rất mạnh mẽ của xe tăng ta, địch đã áp dụng chiến thuật "trâu rừng", đưa xe tăng ra các công sự ở tiền duyên phòng ngự để tạo thành lớp vỏ thép.

Khi nằm trong công sự xe tăng sẽ nắm được lợi thế rất lớn là khó bị tiêu diệt, trong khi quan sát và tiêu diệt đối phương đang lộ diện rất dễ dàng. Để giảm tổn thất và giành thắng lợi, phía ta cần thiết và phải phá bằng được thủ đoạn này của địch trong đợt 2 của chiến dịch bắt đầu ngày 27.4.

Dĩ độc trị độc, để phá chiến thuật này của địch bên ta cũng áp dụng biện pháp tương tự là "bí mật đưa xe tăng xuống các công sự bắn đã chuẩn bị sẵn trong tầm bắn hiệu quả" để diệt xe tăng, pháo chống tăng của địch.

Khi thời cơ thuận lợi mới triển khai xung phong. Tuy nhiên, về phía ta thực hiện thủ đoạn này rất khó vì phải giữ bí mật khi làm công sự cũng như khi bí mật đến gần địch.

Cái gì dù khó đến đâu cũng sẽ có giải pháp! Và chính từ quan sát, nghiên cứu thực tế ta sẽ tìm ra giải pháp. Và giải pháp đó là lợi dụng tiếng nổ của bom đạn địch để làm công sự.

Do đây là giai đoạn hết sức ác liệt trên chiến trường Quảng Trị, không gian lúc nào cũng ầm ì tiếng bom đạn nên công binh trung đoàn đã lợi dụng điều đó dùng bộc phá đào công sự bắn cho xe tăng ở khoảng cách đến tiền duyên phòng ngự của địch chỉ khoảng 1.500 mét mà vẫn đảm bảo bí mật.

Nửa đêm 26 tháng 4, Đại đội xe tăng 7 xuất phát. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thái chỉ huy trực tiếp trung đội 1 vào chiếm lĩnh trận địa bắn.

Với chân dầu nhỏ và các biện pháp giữ bí mật khác, đơn vị đã vào chiếm công sự bắn lúc 5 giờ sáng ngày 27.4 mà địch ở cao điểm 37 và các cứ điểm xung quanh vẫn không hề phát hiện ra.

Xe đại đội trưởng nằm chính giữa có nhiệm vụ diệt địch ở trung tâm. Xe đồng chí Vừa ở bên trái có nhiệm vụ diệt địch ở bên trái và điểm cao 35. Xe đồng chí Tiếm bên phải có nhiệm vụ diệt địch ở phía bên phải cứ điểm và hướng cầu Lai Phước. Bộ phận thông tin nối dây để ba xe có thể liên lạc hữu tuyến với nhau mà không cần mở đài.

7 giờ sáng ngày 27 tháng 4, có lệnh nổ súng. Đại đội trưởng Thái ra lệnh cho các xe tập trung quan sát phát hiện xe tăng địch trong công sự để tiêu diệt. Pháo thủ Hồ trên xe của anh bắn liền 5 phát.

Tuy nhiên, do bên phía địch cũng chống trả quyết liệt, lại có pháo từ nơi khác bắn về nên khói bụi mù mịt không thể quan sát được kết quả bắn.

Lúc này, đạn pháo cũng làm đường dây điện thoại bị đứt nên Thái buộc phải mở đài vô tuyến điện để chỉ huy. Và cũng chính vì vậy anh mới được sở chỉ huy cho biết mấy phát đạn vừa rồi chẳng trúng mục tiêu nào cả.

Kéo đầu pháo thủ sang một bên rồi ghé mắt nhìn vào kính ngắm, Thái chột dạ thấy cậu ta để thước ngắm có 1.200. Với lại khói bụi rất mù mịt nên nhìn sang phía địch rất mờ.

Biết pháo thủ Hồ cũng mới nhập ngũ và mới chỉ trải qua lớp đào tạo pháo thủ ngắn ngày nên kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi đó bản thân mình đã được huấn luyện bắn rất cơ bản ở ngoài bắc nên Thái quyết định tự mình sẽ bắn.

Anh lệnh cho pháo thủ Hồ: "Sang buồng pháo hai vứt hết vỏ đạn ra ngoài và phụ cho pháo hai nạp đạn. Liên tục đạn xuyên nhé!".

Hồ vừa thụp người xuống là Thái tuồn luôn xuống ghế pháo thủ. Anh tăng thước ngắm lên 1.500 rồi ngắm cẩn thận vào tháp pháo một chiếc tăng trong hầm địch đang ẩn hiện mờ mờ sau làn khói. Trước khi bóp cò, Thái bấm công tắc gọi Sở chỉ huy nhờ quan sát giúp đường đạn.

Phát bắn đầu tiên, đạn vẫn gần. Thái tăng thước ngắm lên 1.800 bắn phát thứ hai. Chiếc xe tăng địch bùng cháy cùng với thông báo từ Sở chỉ huy: "Đạn trúng!". Thái bắn tiếp phát thứ ba, đạn tiếp tục trúng 1 xe nữa. Biết đây là thước ngắm chính xác, anh lên đài thông báo cho hai xe bạn cùng sử dụng.

Từ lúc đó, hiệu quả bắn của Trung đội 1 tăng lên rõ rệt. Riêng Nguyễn Văn Thái với 7 phát đạn xuyên đã bắn cháy 5 xe tăng địch. Không chịu được sức ép quá lớn, lại bị mất lớp "vỏ cứng" tạo nên từ xe tăng nên quân địch phòng ngự trên dãy điểm cao 32, 37 kéo nhau bỏ chạy.

Tuyến phòng thủ phía tây nam Đông Hà vỡ một mảng lớn, tạo điều kiện để quân ta giải phóng Đông Hà vào ngày 28.4.1972 và toàn tỉnh Quảng Trị mấy ngày sau đó.

Thế mới rõ, nếu được huấn luyện bài bản và có bản lĩnh vững vàng thì dù hoàn cảnh có bất thường đến đâu người chiến sĩ vẫn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại