Theo tờ báo này, do bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, đã dẫn tới việc Ấn Độ quyết định sẽ tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia xung quanh. Hiện tại, họ đang chú trọng thúc đẩy "quan hệ đối tác chiến lược và quân sự" với Nhật Bản và Việt Nam.
Cụ thể theo nguồn tin, Ấn Độ đang thảo luận chương trình nghị sự liên quan đến việc chào bán tên lửa Akash cho Việt Nam. Hệ thống phòng không này có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái (UAV) của đối phương.
Tên lửa phòng không tầm trung Akash do Ấn Độ sản xuất
Được biết trước đó, Ấn Độ từng đề xuất bán tên lửa hành trình đối hạm siêu âm BrahMos cùng với ngư lôi chống ngầm Varunastra cho Việt Nam.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, Ấn Độ sẽ tiến hành huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 cho Việt Nam trên tiêm kích Su-30MKI của họ. Trong quá khứ, New Delhi còn giúp Việt Nam đào tạo các kíp vận hành tàu ngầm lớp Kilo.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar từng nói Việt Nam là "một người bạn thân", Ấn Độ đang áp dụng nhiều cách thức để thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, từ nâng cấp vũ khí trang bị đến đào tạo nguồn nhân lực.
Times of India nói thêm, Việt Nam rất quan tâm tới tên lửa đất đối không Akash và hy vọng được chuyển giao công nghệ để tiến tới hợp tác sản xuất.
Mặc dù mới bắt đầu tiến hành đàm phán nhưng khả năng đạt được thỏa thuận là tương đối khả quan, bởi vì tỷ lệ nội địa hóa của tên lửa này đạt tới 96%. Tuy vậy, việc bán cũng như chuyển giao công nghệ BrahMos là phức tạp hơn nhiều do Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu phần lớn linh kiện từ Nga.
Phiên bản Lục quân của tên lửa Akash sử dụng khung gầm xe bánh xích
Akash là một hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) "thai nghén" từ đầu thập niên 1980 nhằm thay thế cho các tổ hợp 2K12 Kub (SA-6 Gainful) đã lạc hậu. Nhưng do gặp nhiều khó khăn (cả chủ quan lẫn khách quan) mà phải đến năm 2009 nó mới chính thức ra mắt.
Hình dáng của tên lửa đánh chặn thuộc tổ hợp Akash khá tương đồng với đạn 3M9 của SA-6, nó sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng nhiên liệu rắn nhằm tiết giảm chi phí trong khi vẫn cho độ chính xác và linh hoạt cao.
Tên lửa có chiều dài 578 cm, đường kính 35 cm, trọng lượng phóng 720 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 60 kg; tầm bắn lớn nhất của Akash đạt tới 30 km, trần bay 18 km, vận tốc tối đa Mach 2,5.
Mỗi tổ hợp Akash bao gồm 4 xe mang phóng tự hành (mỗi xe có 3 tên lửa đánh chặn); 1 đài radar kiểm soát hỏa lực Rajendra (tầm hoạt động 60 km, theo dõi được 64 mục tiêu, dẫn hướng cho 8 tên lửa tấn công cùng lúc, đài radar này có khả năng kháng nhiễu cao); cùng 1 trạm chỉ huy điều khiển.
Thông thường từ 2 đến 4 tổ hợp Akash sẽ được liên kết thành một khẩu đội với phạm vi bảo vệ là một ô vuông cạnh (62 x 62) km, trong cấu hình mảng tuyến tính con số này là (98 x 44) km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu của 1 tên lửa là 88%, tăng lên tới 98,5% nếu phóng liên tiếp 2 đạn trong vòng 5 giây vào một đối tượng.
Quân đội Ấn Độ đã lên kế hoạch sản xuất 3.000 tên lửa Akash để trang bị cho cả Phòng không Không quân lẫn Phòng không Lục quân, đơn giá mỗi đạn dự tính dưới 500.000 USD (chỉ bằng 1/3 sản phẩm phương Tây). Một tổ hợp bao gồm 4 xe mang phóng, đài radar cùng 24 đạn đánh chặn được chào hàng với giá 30 - 35 triệu USD.
Mặc dù là một tổ hợp mới sản xuất nhưng tính năng của Akash không thực sự ấn tượng, nó bị đánh giá còn thua kém nhiều nếu đặt cạnh Buk-M2 của Nga hay MR-SAM - sản phẩm hợp tác giữa DRDO và IAI của Israel.