Ngày 8/6, bác sĩ Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức cho biết, vừa qua BV đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu của cúm A/H1N1 . Một trong số đó vừa được BV tuyến trên xác định đã nhiễm cúm.
Thêm một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nặng
Đó là trường hợp của một bệnh nhân nam (SN 1969) từ tỉnh Bình Thuận chuyển xuống BV với triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Tiến hành chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện anh bị tổn thương phổi nặng nên tiến hành bóp bóng, đặt nội khí quản và chuyển đến BV Chợ Rẫy sau một giờ sơ cứu.
Tại đây, bệnh nhân được đưa đến điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới và Đơn vị chống độc. Dựa vào các triệu chứng ban đầu, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử PCR và cho kết quả bệnh nhân đã nhiễm cúm A/H1N1.
Dù tình trạng khá nguy hiểm nhưng theo bác sĩ, bệnh nhân vẫn còn trong tầm kiểm soát.
Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị cho bệnh nhân bị cúm A/H1N1.
Trước đó tại BV Từ Dũ, ổ dịch cúm A/H1N1 đã bùng phát tại khoa Nội soi, bắt nguồn từ một phụ nữ quê Tiền Giang đến điều trị phụ khoa ngày 1/6.
Từ 16 trường hợp phát hiện ban đầu, phía BV đã xác định thêm 7 ca nhiễm sau đó. Nhờ cách ly và điều trị kịp thời, tình trạng các bệnh nhân đã ổn định, không có sản phụ nào bị lây lan.
Như vậy, đây là ca bệnh cúm A/H1N1 thứ 24 được phát hiện và điều trị tại TP.HCM chỉ trong một tuần.
Cúm A/H1N1 nguy hiểm thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang. Chúng tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.
Các bệnh nhân bị cúm A/H1N1 được cách ly tại Bệnh viện Từ Dũ.
Loại virus này có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng.
Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...
Bệnh cúm A(H1N1) có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
Triệu chứng thông thường của bệnh là sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi… Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM trong lần kiểm tra, giám sát quá trình điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Từ Dũ.
Các bác sĩ đưa ra 7 khuyến cáo để người dân phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 như sau:
1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
3. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
4. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
7. Không tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.