Tàu khu trục USS Russell của hải quân Mỹ. (Ảnh minh họa)
Reuters đưa tin, theo thông báo từ Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, tàu khu trục USS Russell “đã thực hiện các quyền và tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.
Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trở thành một trong những vấn đề nóng gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, những tranh chấp thương mại, bất đồng về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong và Đài Loan cũng là những chủ đề khiến quan hệ Mỹ - Trung không ngừng rơi vào căng thẳng.
Mỹ từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động bắt nạt các nước láng giềng. Còn Trung Quốc cáo buộc Mỹ có những nỗ lực gây bất ổn an ninh cho khu vực và cố tình can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia khác.
Trước khi khu trục hạm USS Russell thực hiện sứ mệnh ở quần đảo Trường Sa, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ là USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cũng đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông.
Trước đó, hồi đầu tháng Hai, tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đã triển khai sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
Sự xuất hiện liên tiếp của các chiến hạm Mỹ cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc gần giống với thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, hôm 27/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, Mỹ phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Blinken cũng cho hay, Mỹ sẽ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á chống lại những sức ép từ phía Trung Quốc.
Bản thân ông Biden từng nhận định, Trung Quốc chính là “đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của Mỹ”. Ngoài ra, ông Biden cũng có chung quan điểm với ông Trump khi cáo buộc Trung Quốc “lạm dụng kinh tế” và “tấn công” tài sản trí tuệ.