Giữa lúc tình hình Syria có những chuyển biến mạnh mẽ, lập trường của Nga đối với các đối tác chủ chốt như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải những thách thức không hề nhỏ, theo The National.
Iran - đồng minh của Moscow trong cuộc chiến Syria đang không thể toàn tâm toàn ý do vướng mắc những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ. Ở mặt trận khác, quân đội Nga cũng không hài lòng sau những hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad ở Syria.
Biến cố Nga đối mặt
Nguy cơ một cuộc xung đột khác ở Syria đang khiến Moscow lo ngại, khi rõ ràng nó sẽ tăng thêm nhiều gánh nặng trong việc củng cố liên minh với Damascus.
Thách thức cốt lõi mà Nga phải đối mặt lúc này là xác định lại tầm nhìn và chiến lược mới cho Syria ngoài các bước chiến thuật đơn thuần.
Quan trọng hơn, sự leo thang bạo lực sẽ làm rạn vỡ bất kỳ cơ hội nào trong việc xây dựng tiến trình hòa bình ở Syria. Nó sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của lực lượng Nga trong khi Moscow rõ ràng đang cố gắng hiện diện ở Syria nhiều hơn nữa.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là tính toán của Mỹ, đặc biệt là những bước đi luôn gây bất ngờ của Tổng thống Donald Trump, người có thể quay trở lại Syria dù trước đó đã tuyên bố rút quân. Bước đi như vậy có khả năng gây xáo trộn các chính sách của Moscow ở Trung Đông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người lo ngại viễn cảnh Washington đưa ra các thỏa thuận và quyết định mà không hỏi ý kiến của Ankara - đang tiến hành các nỗ lực thay đổi hiện trạng, không chỉ ở Syria mà cả Libya, với sự tự tin và quyết tâm cao nhất.
Nga đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hơn nữa những lời khiêu khích của mình trong diễn biến căng thẳng vài tuần qua. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã giảm bớt những lời khẩu chiến hùng hồn như một tín hiệu chiều lòng Nga.
Quân đội của cả hai nước vẫn muốn tránh các cuộc đụng độ trực tiếp ở Syria, đặc biệt là tránh các sự cố có thể dẫn đến thảm kịch bắn rơi máy bay Nga năm xưa. Hậu quả của một sự kiện như vậy sẽ rất thảm khốc.
Trong mắt người Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phải tôn trọng các thỏa thuận trước đó với họ và thái độ hiếu chiến của Ankara phải chấm dứt. Vấn đề là các lựa chọn của Moscow bị hạn chế vào thời điểm này.
Chấm dứt liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, đồng thời làm ngơ cho lực lượng quân đội Syria mặc sức tấn công không phải là cách làm phù hợp. Nhưng nếu chần chừ và thất bại trong việc kiềm chế tình hình có thể cản trở sự dàn xếp chính trị mà Nga cần để ổn định Syria.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan muốn Moscow phải giảm bớt các cam kết đối với chính quyền Assad, đặc biệt là đối với vấn đề Idlib ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi quân đội Nga đang hỗ trợ đối tác Syria trong một cuộc tấn công lớn.
Ông Erdogan không tìm cách lật đổ Tổng thống Assad, và ông cũng không yêu cầu Nga từ bỏ liên minh với Damascus hoàn toàn. Thay vào đó, Ankara muốn giữ Idlib dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Nga chỉ chấp nhận ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong một khu vực rộng 5km tính từ biên giới.
Sự trở lại của Mỹ
Đứng bên ngoài cuộc chơi, Mỹ vẫn tỏ rõ sự nguy hiểm khi đang trở thành người cổ vũ cho các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Đặc phái viên Syria của Mỹ James Jeffrey, gần đây đã tuyên bố rằng Washington đang xem xét làm thế nào để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ quy tắc NATO.
Mỹ đang chờ đợi cơ hội ở Idlib.
Mỹ đang ngày càng cân nhắc hơn nữa việc bước chân vào cuộc xung đột ở Idlib không chỉ vì lo ngại làn sóng người tị nạn mà còn vì Washington coi sự rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria lúc này là cơ hội .
Tổng thống Trump có xu hướng đích thân điều phối hướng đi chính sách đối ngoại với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ông được cho là đang xem xét lại chính sách đối ngoại của Mỹ trên toàn cầu, không đi chệch khỏi các xu hướng hiện tại nhưng sẽ tập trung hơn vào tận dụng những cơ hội.
Bước đi như vậy sẽ liên quan đến việc ông Trump xem xét các mặt trận chính trị khác nhau và củng cố các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ông Trump cũng muốn tăng cường hỗ trợ cho cái gọi là "Thỏa thuận thế kỷ" của mình và để đảm bảo rằng các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh có mặt trận thống nhất chống lại Iran.
Tuần này, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết cần có sự đồng ý của Quốc hội cho các hoạt động quân sự trong tương lai chống lại Iran. Ông Trump có thể phủ quyết điều đó, nhưng ông cũng có thể sử dụng nghị quyết để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa với Tehran.
Mặc dù vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad, Iran không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến Syria của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà dành thời gian giải quyết các vấn đề nội bộ, để lại vấn đề phức tạp ở Idlib cho các chiến lược gia quân sự của Moscow.
Các chiến lược gia này sốt sắng hơn vì họ lo ngại bất đồng hiện tại là cơ hội hồi sinh tiềm năng các liên kết NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ phí những nỗ lực trước đó của Nga trong việc chia rẽ các đồng minh phương Tây thông qua hợp tác ở Syria và bán hệ thống phòng không cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những căng thẳng cá nhân này, có một thực tế là Moscow, Washington và Ankara đều có chung mong muốn tránh một cuộc xung đột quy mô lớn ở Syria, sẽ kéo ba quốc gia cũng như Israel vào mớ hỗn độn.
Như đặc phía viên Jeffrey từng nói, nhóm bốn thế lực lớn ở Syria - đó là Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - đang rất cẩn thận về các bước đi quân sự . Tuy nhiên, vấn đề là những thế lực lớn này sẽ hướng đến những mục tiêu quan trọng hơn, kể cả là sử dụng quân sự. Nói một cách cụ thể hơn, họ vẫn cẩn thận nhưng sẽ làm bất kỳ điều gì có thể trong tay.