Thế tiến công như "nước chảy": Từ Syria đến Iraq, Mỹ rút về đâu Nga theo tới đó?

Mạnh Kiên |

Nga “sẽ giống như nước, chảy vào các vết nứt và kẽ hở” sau khi Mỹ rút lui một phần khỏi Trung Đông. Nga được cho là sẽ tìm cách làm suy yếu lợi ích của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng ở Iraq.

Kể từ khi bắt đầu can thiệp ở Syria vào năm 2015, Nga đã đồng thời tiếp cận các thế lực khác nhau trong các cuộc xung đột để xây dựng vai trò nhà trung gian hòa bình, quảng bá bản thân như một sự thay thế cho quyền bá chủ của Mỹ.

Trong thập kỷ qua, Nga đã kiên nhẫn xây dựng sự hiện diện ở Iraq, cải thiện đáng kể vị thế địa chính trị.

Sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003, chính sách của Mỹ đã góp phần tạo thêm sự bất ổn cho một khu vực vốn đã nhiều biến động, hạn chế khả năng của Washington trong việc xoa dịu các xung đột và căng thẳng trong khu vực. Ngược lại, Nga đã khai thác điều này và đang âm thầm tiến vào Trung Đông nhờ sự suy thoái của Mỹ.

"Bên ngoài Syria, các mối quan hệ của Nga ở Trung Đông gần như đều mang tính giao dịch chặt chẽ", Ben Connable, chuyên gia cao cấp tại RAND Corporation nói với The New Arab .

"Họ theo đuổi những lợi thế mà không có sự phân biệt ở đây. Điều này mang lại cho họ lợi thế chiến thuật to lớn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu chống lại Mỹ".

Thâm nhập lĩnh vực năng lượng

Sự can dự của Nga tại Iraq đã tăng tốc đáng kể sau sự xuất hiện của khủng bố IS, khi Iraq đang rất cần sự giúp đỡ nhưng các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ban đầu tỏ ra thờ ơ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Baghdad.

Ngược lại, sự hỗ trợ của Nga được coi là tấm vé đầu tiên cho các giao dịch tiếp theo giúp Moscow thâm nhập vào cả lĩnh vực năng lượng của Iraq và người Kurd ở Iraq.

Năng lượng vẫn là một lĩnh vực quan trọng đối với ảnh hưởng của Điện Kremlin ở Iraq. Sau khi ký một thỏa thuận cho vay với Chính quyền Khu vực Kurdistan (KRG) trị giá 3,5 tỷ USD, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Rosneft cũng đã mua phần lớn cổ phần trong đường ống dẫn dầu KRG tới Thổ Nhĩ Kỳ và đồng ý xây dựng một đường ống dẫn khí song song.

Các thỏa thuận được coi là một công cụ đòn bẩy quan trọng của KRG đối với chính quyền trung ương ở Baghdad. Trong khi tổng đầu tư của Nga vào lĩnh vực năng lượng của Iraq năm ngoái đạt 10 tỷ USD, các quan chức Nga hồi tháng 5 vừa qua tuyên bố một số công ty của họ sẽ chi ít nhất 20 tỷ USD cho các dự án dầu khí ở Iraq trong thời gian tới, bao gồm Zarubezhneft, Tatneft và các đơn vị dầu khí liên quan đến Rosneft.

Liên kết ngầm

Thế tiến công như nước chảy: Từ Syria đến Iraq, Mỹ rút về đâu Nga theo tới đó? - Ảnh 2.

Iraq là điểm nóng mới mà Nga đang tăng cường sự hiện diện.

Bên cạnh việc đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của đất nước, Nga cũng tìm kiếm mối liên hệ với nhiều phe phái chính trị và quân sự cũng như bán quân sự ở Iraq, càng thách thức vị thế của Mỹ ở nước này.

Việc Nga tiếp cận các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã phần nào không được phương Tâm chú ý đến, mặc dù điều này được cho là có thể làm phức tạp thêm chỗ đứng của Mỹ ở Iraq, do mối quan hệ chặt chẽ giữa Moscow và Tehran.

Nga và Iran có thể có quan điểm rất khác nhau về kế hoạch hậu chiến ở Syria nhưng cả hai nước vẫn thiết lập quan hệ đối tác lâu dài ở quốc gia Trung Đông. Trong khi Nga tỏ ra rất khó chịu với việc Iran xây dựng quân đội ở miền Nam Syria chống lại Israel thì điều này lại không xuất hiện ở Iraq, vì việc có các lực lượng dân quân chống Mỹ ở nước này đều đúng ý với cả Tehran và Moscow.

Tuy nhiên, Sergey Sukhankin, nghiên cứu viên tại Jamestown Foundation, không tin rằng Nga sẽ đặt cược vào các lực lượng dân quân thân Iran vì Moscow đang cố gắng duy trì sự cân bằng và không muốn mất liên lạc với Israel.

Do đó, ông cho rằng Nga rất có thể sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc ngầm (và bán chính thức) với tất cả các bên liên quan, và đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Nga trong khu vực.

Nga có thể đối trọng với Mỹ?

Sự hiện diện ngày càng tăng của Nga có liên quan đến những chính sách khó lường của Mỹ trong thời gian qua.

Theo chuyên gia Connable, Nga "sẽ giống như nước, chảy vào các vết nứt và kẽ hở" sau khi Mỹ rút lui một phần khỏi Trung Đông. Ông tin rằng Nga sẽ tìm cách làm suy yếu lợi ích của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của chính mình.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những sự cản trở đối với ảnh hưởng của Moscow ở Iraq, vì chính quyền hiện tại của Mỹ khẳng định rằng họ sẽ không thực hiện yêu cầu của Iraq về việc rút các lực lượng khỏi đất nước và thậm chí đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Baghdad trong trường hợp mua vũ khí Nga.

Mặc dù Iraq tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quân sự, nhưng không có khả năng Washington sẽ khoan nhượng với bất kỳ thỏa thuận quân sự lớn nào và nước này có thể trừng phạt Iraq bằng cách áp dụng Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Theo ý kiến ​​của chuyên gia Sukhankin, Moscow không có khả năng đầu tư quá nhiều nguồn lực vào Iraq.

Thứ nhất, Nga không có khả năng kinh tế và thứ hai, nước này nhớ lại những bài học kinh nghiệm cay đắng của Liên Xô, khi Liên Xô cố gắng đánh bại Mỹ trên mọi chiến trường. Ông lưu ý rằng điều này mang lại kết quả rất hạn chế nhưng lại đòi hỏi nguồn lực khổng lồ.

Nhưng điều tương tự cũng xảy ra với Mỹ. Nếu để đáp lại các hành động gây dựng ảnh hưởng của Nga, Washington sẽ phải cung cấp các nguồn lực khổng lồ và theo đuổi chiến lược can dự cấp cao.

Tuy nhiên, với cuộc bầu cử mới ở Iraq sắp diễn ra vào năm tới và khả năng giành chiến thắng cho các phe thân Iran, ảnh hưởng của Nga ở nước này có thể sẽ tăng thêm nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại