Thế hệ vũ khí tương lai: Sát thương không cần đạn

Hùng Hà |

Nếu như trong quá khứ, chiến thắng được bảo đảm bằng súng trường, đại bác với hỏa lực nhanh, mạnh thì ngày nay, các loại vũ khí công nghệ cao có khả năng làm tê liệt “đầu não địch”, vô hiệu hóa bất cứ loại vũ khí nào lại được xem là yếu tố sống còn quyết định thắng lợi trong các hoạt động quân sự...

Nhân tố then chốt trong chiến tranh công nghệ cao

Học thuyết quân sự hiện đại của Mỹ cho rằng: "Trong chiến tranh, ai khống chế được việc sử dụng phổ điện từ sẽ là người chiến thắng"; "Lịch sử chứng minh rằng, chiếm ưu thế trong tác chiến điện tử dẫn đến thắng lợi trong các hoạt động quân sự".

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ điện tử, thông tin, vật liệu mới đang phát triển như vũ bão và trở thành yếu tố quyết định trong các hoạt động quân sự thì tác chiến điện tử (Electronic warfare-EW) trở thành nhân tố sống còn của bất kỳ một cuộc chiến tranh quân sự nào.

Ngoài việc được xem là phương tiện nhân gấp bội sức mạnh, tác chiến điện tử còn được đánh giá là một trong ba nhân tố then chốt của chiến tranh công nghệ cao, bao hàm cả ý nghĩa tiến công và phòng thủ.

Tác chiến điện tử là một phương thức tác chiến, gồm tổng thể các hoạt động của quân đội, được tiến hành thống nhất theo mục đích, nhiệm vụ, địa điểm và thời gian nhằm loại trừ, ngăn cản hoặc làm giảm hiệu quả các hệ thống chỉ huy, khả năng điều khiển vũ khí bằng các phương tiện điện tử của đối phương, bảo đảm ổn định tối đa cho hoạt động các hệ thống của mình trước các tác động của đối phương trong chiến tranh.

Thành phần của tác chiến điện tử bao gồm trinh sát điện tử, bảo vệ điện tử và chế áp điện tử.

Thế hệ vũ khí tương lai: Sát thương không cần đạn - Ảnh 1.

Xét về mặt hiệu quả, các hệ thống tác chiến điện tử không hề thua kém các loại vũ khí tác động trực tiếp. Nhưng khác với đại bác và tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử không nhằm vào việc phá hủy nhân lực và thiết bị của đối phương mà là nhằm vào tiêu diệt "hệ thống thần kinh", tức hệ thống điều khiển, hướng dẫn và theo dõi của địch.

Một cuộc tấn công theo lối đó sẽ ngay lập tức tước bỏ khả năng chiến đấu của đối phương, hay nói cách khác là làm tê liệt hệ thống điện tử, đường dây điện, làm mù radar và khiến các máy bay chiến đấu và tàu chiến bất động.

Kết quả là, xung đột vũ trang hiện đại có một đặc điểm mới-nó diễn ra không chỉ trên bộ, trên không và trên biển, mà còn cả trong không gian vô tuyến điện.

Nga hiện nay là một trong những nước tiên phong trên thế giới về mặt phát triển và ứng dụng tác chiến điện tử, dù rằng mới chỉ 20 năm trước thôi, nước này vẫn còn lạc hậu đáng kể so với các nước khác trong khu vực.

Theo các chuyên gia, hệ thống EW của Nga được cài đặt trên các hàng không mẫu hạm có thể sánh được với các phiên bản tương ứng của Mỹ. Riêng các trạm EW của lục quân Nga có thể coi là tốt nhất thế giới.

Với việc đi sâu phát triển các hệ thống có khả năng làm tê liệt "đầu não địch", vô hiệu hóa vũ khí của đối phương, mới đây Nga cũng đã công bố thử nghiệm thành công một hệ thống vũ khí mới, được đánh giá là chưa có đối thủ trên thế giới.

Theo Sputnik, vũ khí "vô tuyến điện tử" được chế tạo dựa trên những nguyên tắc vật lý mới, có khả năng vô hiệu hóa vũ khí, thiết bị của đối phương, với sự trợ giúp của năng lượng định hướng mà không sử dụng các phương tiện truyền thống như đạn dược.

Nó tác động vật lý gián tiếp lên các thiết bị máy bay, máy bay không người lái, vô hiệu hóa vũ khí với độ chính xác cao. "Các mẫu vũ khí này đã được hoàn thành và chứng minh được tính hiệu quả.

Đây là thế hệ vũ khí hoàn toàn mới mà chúng tôi có thể khẳng định rằng, không chỉ trong nước Nga, mà ngay cả thế giới, vẫn chưa có gì sánh được", phát ngôn viên Công ty Chế tạo thống nhất (OPK) của Nga cho biết.

Bài toán khó

Với việc khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, con người dần chuyển hướng sang những loại vũ khí có thể giúp hạn chế tối đa thiệt hại về binh lực. Hệ thống tác chiến điện tử là một trong những loại vũ khí chiến lược mang lại lợi thế "kiểm soát" trong các hoạt động quân sự, đặc biệt là hoạt động chống khủng bố.

Tại Xy-ri, Nga đã chứng minh được sức mạnh của hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và phức tạp nhất của xứ Bạch dương hiện trong các chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Với phạm vi quét mảng rộng, hệ thống EW Borisoglebsk-2 của Nga đã chế áp hoặc cắt đứt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc của phiến quân IS. Ngoài chức năng gây nhiễu hiệu quả, chức năng bảo vệ cực mạnh của hệ thống này khiến giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây đặt cho nó biệt danh "ô điện tử".

Borisoglebsk-2 có thể tạo ra một khu vực an toàn, hay nói cách khác là một chiếc ô bảo vệ, với bán kính lên đến 150km cho các đơn vị tác chiến phòng không của Nga hoạt động, bất chấp các biện pháp chế áp điện tử của đối phương.

Tuy nhiên, những loại khí tài điện tử thường có giá thành rất cao và công nghệ được đưa vào hàng chiến lược, tuyệt mật.

Đương nhiên các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Nga và EU sẽ có được lợi thế và khả năng trong thực hiện nhiệm vụ chế áp điện tử. Trung Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng lực lượng tác chiến điện tử riêng cho mình, tuy nhiên so với các cường quốc nói trên thì vẫn còn rất nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm.

Còn đối với những nước có nền khoa học kỹ thuật còn yếu, tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại sẽ là bài toán khó.

Bên cạnh đó cũng phải tính đến khả năng nếu tác chiến điện tử không thành công, nghĩa là khả năng phòng không, phát hiện mục tiêu, hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy của đối phương chưa bị đánh quỵ thì cái giá phải trả của không quân, chiến hạm khi bị giáng trả là không tránh khỏi.

Hay nói cách khác, trong môi trường điện tử không thuận lợi như bị nhiễu loạn, tác chiến điện tử chẳng khác gì đồ vô dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại