Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K!

Nguyễn Đình Thi - Nguyên Đại úy, Tuyên huấn Sư đoàn 10, QĐ3 |

Để tạo ra thời cơ chính trị ở Liên hợp quốc, cấp trên lệnh cho Sư đoàn 10 phải tiến vào Phnom Penh chỉ trong 1 ngày đêm, nhanh chóng giải quyết chiến trường K.

Người lính quân tình nguyện Việt Nam trên xe tăng lội nước

Người lính quân tình nguyện Việt Nam trên xe tăng lội nước

LTS: Trong chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Polpot, Sư đoàn bộ binh 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đội hình Quân đoàn 3.

Chỉ trong một tuần lễ (từ 07/01-14/01/1979), Sư đoàn 10 đã tiến công trong hành tiến, thần tốc vượt quãng đường 400km, giải phóng 4 tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị mạnh của địch, cùng các đơn vị bạn giải phóng Thủ đô Phnom Penh.

Xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nguyên Đại úy, cán bộ tuyên huấn Sư đoàn bộ binh 10, viết về chiến công đặc biệt của đơn vị trong chiến dịch giải phóng Campuchia và những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường K.

---------------

Kỳ 1. Đập tan tuyến phòng ngự đường số 7

Kỳ 2. Tiến công giải phóng Phnom Penh từ hướng Bắc

Chiến đấu trong hành tiến

Sau 2 ngày truy quét bọn tàn quân địch ở phía Đông Kampong Chàm, ngày 03/01/1979, Sư đoàn bộ binh 10 được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn, đánh vào thủ đô Phnom Penh từ hướng Bắc, qua bến phà Tonle Sap (Biển Hồ).

Cùng lúc đó, Quân đoàn 4 đánh về Phnom Penh từ hướng bến phà Neak Luong, bộ đội Quân khu 9 cũng tấn công từ phía Tà Keo. Ba mũi thọc sâu của quân ta đều lấy hợp điểm là dinh lũy đầu não của bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 1.

Tác giả - CCB Nguyễn Đình Thi, nguyên Đại úy, sĩ quan tuyên huấn Sư đoàn 10

Lúc đầu, phương án tấn công Phnom Penh của Sư đoàn 10 được thực hiện bằng hai mũi: Mũi đường thủy là tiểu đoàn 4, trung đoàn 24 được xuồng máy chở theo đường sông từ thị xã Kampong Chàm về Phnom Penh.

Mũi đường bộ là Trung đoàn 28 đánh theo đường bộ, từ Kampong Chàm theo quốc lộ 6 và quốc lộ 7 tiến về Phnom Penh. Trung đoàn 28 là đơn vị làm nhiệm vụ dự bị trong giai đoạn đầu, nên còn gần như nguyên vẹn và rất sung sức.

Để chuẩn bị tiến công theo đường thủy, trong hai đêm 03-04/01/1979, Trung đoàn 24 đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ tập luyện vượt sông Mekong. Nhưng sau đó phương án đánh theo đường thủy bị hủy bỏ.

Sư đoàn 10 chuyển sang phương án chiến đấu trong hành tiến, để tranh thủ từng giờ, từng phút giải phóng Phnom Penh. Toàn bộ sư đoàn được ô tô vận tải của Bộ và của Quân đoàn 3 chuyên chở, hình thành binh đoàn thọc sâu cỡ sư đoàn tăng cường, thực hiện hành tiến tấn công địch bằng lối đánh của bộ binh cơ giới.

Trung đoàn 28 tiếp tục là đơn vị đi đầu của Sư đoàn 10, được tăng cường 1 đại đội xe tăng T-54, 1 đại đội xe tăng lội nước PT-85, 1 đại đội xe bọc thép M-113, 2 pháo 105mm, 2 pháo 85mm, 1 đại đội pháo cao xạ 37mm, 1 đại đội công binh cầu phà, cùng 16 khẩu súng M72. Toàn bộ bộ đội được đưa lên xe cơ giới, hình thành binh đoàn thọc sâu để đi trước mở đường.

Từ thị xã Kampong Chàm, Trung đoàn 28 sẽ theo đường 6 và đường 7 tiến về bến phà Tonle Sap. Sau khi Trung đoàn 28 đánh chiếm bến phà, Trung đoàn 24 sẽ tổ chức vượt sông vào Phnom Penh. Trung đoàn 66 (làm nhiệm vụ chủ công khi vượt biên giới) sẽ làm dự bị cho Sư đoàn.

Khí thế tiến công của bộ đội Sư đoàn 10 mạnh mẽ như sấm sét: Trên trục đường 7, các loại xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở cầu phà công binh, xe tải hậu cần của Sư đoàn và Quân đoàn dàn đội hình dài hàng chục km.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 2.

Đội hình xe bọc thép M-113 của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia

10h30 sáng ngày 06/01/1979, Sư đoàn 320 chiếm được thị xã Kampong Chàm, Sư đoàn 10 được lệnh nhanh chóng vượt sông Mekong tiến vào Phnom Penh.

Tuy nhiên, do đường 7 chật hẹp, lại nhiều xe cộ, nên các xe chở cầu phà của công binh ở phía sau đội hình phải rất khó khăn mới có thể vượt lên được.

Mãi tới 15h30 ngày 06/01/1979, các phân đội công binh của Lữ đoàn 7 (Quân đoàn 3) và của Lữ đoàn 249 (của Bộ tăng cường) mới ghép xong hai chiếc phà trọng tải 50 tấn. 23 giờ đêm ngày 06/01/1979, toàn bộ đội hình Trung đoàn 28 được đưa qua sông.

Theo yêu cầu của cấp trên, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước Campuchia cách mạng, nên các đơn vị thọc sâu phải nhanh chóng giải phóng Phnom Penh trước ngày 08/01/1979.

Để tạo ra bất ngờ với thế giới, tạo ra thế đấu tranh với đại diện của Khmer Đỏ và các thế lực đế quốc hậu thuẫn cho bè lũ diệt chủng trên diễn đàn Liên hợp quốc, lá cờ của chính quyền cách mạng Campuchia phải phấp phới bay trên thủ đô Phnom Penh ngay trong ngày 07/01/1979.

Thời gian gấp gáp tính từng giờ từng phút. 03 giờ sáng ngày 07/01/1979, Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe và Chính ủy sư đoàn Lưu Quý Ngữ giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 28 lập tức tổ chức đội hình, nhanh chóng tiến công vào Phom Penh.

Để tăng cường sức mạnh đột phá của mũi tiến công, Quân đoàn 3 điều thêm 6 xe tăng lội nước PT-85 để làm mũi nhọn cho Trung đoàn 28. Sư đoàn phó Trần Đình Ngự trực tiếp đi cùng để chỉ đạo Trung đoàn.

Trong đêm tối, Trung đoàn 28 khẩn trương sắp xếp đội hình, dàn đội hình xe pháo để lên đường.

Đi đầu đội hình là Tiểu đoàn 1, có Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng trực tiếp đi cùng. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Đỗ Bá Tỵ, về sau là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội (vừa nghỉ hưu theo chế độ năm 2021).

Do đã có kinh nghiệm trong tác chiến hợp đồng binh chủng từ mùa xuân năm 1975, Trung đoàn 28 đã thành thạo cách đánh chiến đấu trong hành tiến: Xe bọc thép đi đầu, sau đó đến xe tăng (trên các xe đều có chở bộ binh).

Đi cùng lực lượng thọc sâu có pháo binh, pháo cao xạ 37mm, trinh sát, công binh. Các loại hỏa lực mang vác như súng cối 82mm, ĐKZ, súng máy 12,7mm đều đặt lên xe tải, trên đường đi gặp địch ở đâu thì lập tức đánh tan chúng ở đó.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 4.

Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K

Thần tốc giải phóng Phnom Penh

Hành quân suốt đêm, đến sáng sớm ngày 07/01/1979, đội hình Trung đoàn 28 vừa phát triển đến ngã ba sân bay thì gặp một trận địa phòng ngự của địch. Đây vốn là đám tàn quân bảo vệ thị xã Kampong Chàm, sau khi thất thủ chúng chạy về đây chốt chặn ở ngã ba.

Tuyến phòng ngự của địch tuy được lập vội, nhưng chúng rải rất nhiều mìn để ngăn bước tiến quân ta. Do vội vã, nhiều quả mìn chúng còn chưa kịp lấp đất để vùi xuống.

Tất cả các loại hỏa lực của Trung đoàn gầm lên dữ dội: Pháo tăng, súng máy trên xe thiết giáp và xe tải, ĐKZ, súng cối 82mm … đồng loạt bắn mạnh 30 phút vào quân địch. Chúng hoảng sợ bỏ chạy, tuyến phòng ngự nhanh chóng tan vỡ. Quân ta lập tức khắc phục vật cản mìn để tiếp tục tấn công.

09h30 ngày 07/11, Trung đoàn 28 phát triển đến ngã ba Skun, điểm giao cắt giữa đường 6 và đường 7. Tại đây, địch có lực lượng rất đông đảo, có nhiều loại hỏa khí mạnh, lại có sở chỉ huy vùng 41. Khi phát hiện thấy quân ta tấn công, chúng chống trả rất quyết liệt.

Lập tức hỏa lực quân ta dồn dập trút vào kẻ địch. Pháo cao xạ hạ nòng bắn thẳng chế áp quân địch. Xe tăng, xe bọc thép dũng mãnh tấn công, càn thẳng vào trận địa phòng ngự của địch, bắn cháy 3 xe ô tô chở đầy lính.

Chỉ sau 30 phút chiến đấu, Trung đoàn 28 đã làm chủ hoàn toàn trận địa ngã ba Skun, thu 5 pháo cao xạ 37mm, 2 pháo 105mm, 1 súng cối 120mm, cùng nhiều xe ô tô chở đầy súng đạn.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 5.

Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K

12 giờ trưa ngày 07/01/1979, đội hình Trung đoàn phát triển tới dãy núi Phu Chê. Phía trước dãy núi là hồ nước rộng, nổi lên 2 quả núi án ngữ trục đường 6 - đây là địa hình rất tốt cho việc phòng thủ.

Khi đội hình đi đầu của Tiểu đoàn 1 vừa đến đây, thì quân địch mai phục ở hai bên dãy núi dùng hỏa lực ĐKZ, súng cối 82mm, B41 bắn ra xối xả. Một chiếc M-113 bị cháy, một chiếc khác bị hỏng, một số cán bộ, chiến sỹ ta hi sinh, trong đó có đồng chí Liệu - đại đội trưởng đại đội 1.

Trước tình hình khó khăn, Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng cho đội hình dừng lại để tổ chức tấn công. Tất cả các loại hỏa lực của đơn vị như pháo nòng dài 85mm, pháo cao xạ 37mm, ĐKZ, súng cối 82mm bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự của địch.

Đồng thời, tiểu đoàn 1 cho 2 mũi bộ binh vòng sang hai bên sườn quân địch. Sau 30 phút tập trung hỏa lực, quân địch đã núng thế, nhiều tên bị tiêu diệt, số còn lại hoảng sợ bỏ cả súng tháo chạy.

13 giờ chiều ngày 07/01/1979, Tiểu đoàn 1 đã giải quyết xong mục tiêu núi Phu Chê, thu nhiều súng đạn, trong đó có hàng trăm quả đạn súng chống tăng vác vai B40, B41 còn nguyên trong hộp.

Thật hú vía: Nếu như quân ta không dồn dập tấn công, để địch có thời gian ổn định và đánh trả, thì những chiếc xe tăng - thiết giáp của đơn vị khó mà yên ổn với lũ Khmer Đỏ.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 6.

Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia

Trung đoàn 28 tiến nhanh về bến phà Tonle Sap. Tại đây, tất cả các loại xe cộ, binh lính, khí tài của địch bị ta đánh tan trên các hướng đều đang dồn về, nằm ngổn ngang trên đường và lối xuống bến phà, ùn tắc kéo dài cả cây số.

Khi thấy bộ đội ta tràn tới, quân Khmer Đỏ hoảng loạn tháo chạy, quân ta thừa thắng truy kích, diệt nhiều địch.

Theo kế hoạch, đáng lẽ sau khi chiếm bến phà Tonle Sap, Trung đoàn 28 sẽ dừng lại bảo vệ bến phà cho Trung đoàn 24 vượt sông đánh sang Phnom Penh.

Tuy nhiên, đó là kế hoạch dựa trên dự kiến rằng quân địch sẽ đánh trả quyết liệt và gây thiệt hại cho Trung đoàn 28. Không ngờ trước sức tấn công thần tốc của quân ta, kẻ địch lại nhanh chóng tan rã như vậy.

Nhận thấy lực lượng Trung đoàn 28 còn rất sung sức, Sư đoàn quyết định cho đơn vị tiếp tục vượt sông, tấn công Phnom Penh, không cần chờ Trung đoàn 24.

Bên bờ tây bến phà, quân địch bắt đầu bắn trả vào đội hình tiểu đoàn 1. Khó khăn mới xuất hiện: Phà ở đây đã bị địch tháo ra và thả trôi xuống hạ lưu

Trên lối lên xuống bến phà có quá nhiều xe cộ của địch nằm ngổn ngang, chặn lối quân ta. Xe tăng, xe bọc thép, xe tải chở quân, xe kéo pháo của ta không có cách nào xuống bến phà. 

Nếu như chờ giải quyết xong các chướng ngại vật mới vượt sông thì sẽ lãng phí thời cơ ngàn vàng. Sau khi khảo sát thực tế và hội ý cùng chỉ huy đơn vị công binh (lữ đoàn 7 và lữ đoàn 249), Sư đoàn phó Trần Đình Ngự quyết định tổ chức bến vượt mới.

15 giờ ngày 07/01/1979, bộ đội công binh làm xong bến vượt mới. Quang cảnh trận đánh vượt sông hết sức hoành tráng, không kém gì Hồng quân Liên Xô vượt sông trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trung đoàn 28 và các lực lượng tăng cường đã đánh một trận vượt sông bằng sức mạnh hết sức đẹp mắt:

Dưới sự yểm trợ của pháo binh, phân đội mở đường gồm các xe tăng lội nước PT-85 và xuồng máy dũng mãnh vượt qua sông, chở theo bộ binh chia thành hai mũi đánh mở rộng bàn đạp vượt sông, rồi chốt giữ đầu cầu để đưa toàn bộ Trung đoàn 28 sang sông.

Bộ đội công binh nhanh chóng lắp ghép hai chiếc phà trọng tải 50 tấn, đưa xe tăng, trọng pháo và khí tài nặng sang bờ tây.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 8.

Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh

Kỳ tích của QĐND Việt Nam trên chiến trường K: Thế giới chấn động

18 giờ ngày 07/01/1979, toàn bộ đội hình thọc sâu của Trung đoàn 28 đã sang được bờ tây Tonle Sap.

Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Lương Công Hiển và Trung đoàn phó Võ Hồng Kháng, bộ binh của Trung đoàn đã cùng xe tăng, xe thiết giáp nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu của thủ đô Phnom Pênh như khu phố phía Tây, Takleat, nhà máy xay, nhà máy hoa quả, kho súng đạn, kho xi măng, xưởng cơ khí.

Sau đó đơn vị tiếp tục phát triển đánh chiếm khu Hoàng Cung và Bộ Tổng tham mưu địch.

Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, quân địch ở đây hoàn toàn không chống trả được, phải bỏ chạy. 20 giờ tối ngày 07/01/1979, Trung đoàn đã hoàn thành việc chiếm phía Bắc thủ đô Phnom Penh, bắt liên lạc được với lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 4 và Quân khu 9.

Lá cờ của chính quyền cách mạng Campuchia đã phấp phới bay trên hoàng cung. Thành phố chết dưới chế độ Khmer Đỏ đã được hồi sinh, trở thành hợp điểm của ba cánh quân thọc sâu của 2 quân đoàn và 1 quân khu Việt Nam.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 9.

Xe bọc thép M-113 của quân tình nguyện Việt Nam

Ở bên kia địa cầu, sự kiện Phnom Penh thất thủ, Polpot và đám tay chân của y phải tháo chạy về phía tây đã gây chấn động bàn hội nghị Liên hợp quốc: Chỉ trong vòng 2 tuần phản công, 1 tuần kể từ khi quân ta vượt biên giới, đầu não của bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ đã bị đập tan.

Cả nhân loại tiến bộ nghiêng mình ngưỡng mộ những chiến công của người lính quân tình nguyện Việt Nam: Bằng tốc độ tiến công thần tốc và cách đánh sấm sét của mình, họ đã mang lại những thời cơ chính trị - pháp lý tuyệt vời, để Việt Nam bước lên diễn đàn quốc tế trong tư thế người chiến thắng, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước anh em.

Đóng góp vào thành công chung của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K, cuộc tiến công của Sư đoàn bộ binh 10, cụ thể là Trung đoàn 28 và các lực lượng tăng cường là một chiến công chói lọi.

Chỉ trong chưa đầy một ngày chiến đấu trong hành tiến, Sư đoàn 10 đã đập tan tuyến phòng ngự của địch suốt từ thị xã Kampong Chàm về thủ đô Phnom Penh, với chiều dài 110km. Con số đó còn chưa kể đến việc bộ đội ta phải vượt Biển Hồ (Tonle Sap) rộng nhiều km, dưới màn hỏa lực địch.

Có thể nói, đây là một "kỉ lục" về tốc độ tiến công và về tiêu diệt địch, mà hiếm có đơn vị nào trong toàn quân đạt được. Tốc độ tiến công này có thể so sánh với các binh đoàn cơ giới hóa mạnh của Hồng quân Liên Xô, hay quân đội các cường quốc khác. Tuy nhiên, những người lính Sư đoàn 10 đã làm nên điều đó với vũ khí, trang bị lạc hậu hơn nhiều.

Trận đánh giải phóng thủ đô Phnom Penh cũng ghi dấu ấn lớn của Trung đoàn bộ binh 28, Sư đoàn 10: Nếu như ngày 30/04/1975, Trung đoàn 28 là đơn vị cắm cờ trên Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH, thì chưa đầy 4 năm sau - ngày 07/01/1979, cũng Trung đoàn 28 là đơn vị cắm cờ chiến thắng trên Bộ Tổng tham mưu quân đội Khmer Đỏ.

Đó là vinh quang của đơn vị hai lần đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch.

Trận đánh này cũng ghi dấu ấn của tiểu đoàn 1, tiểu đoàn tiên phong đi trước mở đường, với người tiểu đoàn trưởng dũng cảm, về sau đã trở thành Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ.

Sư đoàn bộ binh 10 và Quân đoàn 3 đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến công chung của Quân đội nhân dân Việt Nam: Đập tan hoàn toàn chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, mở ra chương mới cho đất nước Campuchia hồi sinh, tạo ra đường biên giới tây nam ổn định, hòa bình lâu dài.

Thế giới chấn động: Phnom Penh thất thủ, QĐNDVN đã giải quyết xong chiến trường K! - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại