‘Thế chân vạc’ trong cuộc chiến không gian

Đình Tú |

Lầu Năm Góc liên tiếp cảnh báo về mối đe dọa không gian từ Trung Quốc và Nga làm ảnh hưởng đến sức mạnh Mỹ. Trong khi đó, Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh không gian tại thủ đô Vienna, Áo vào đầu tuần tới sau 7 năm gián đoạn.

Mỹ lo ngại liên minh Nga - Trung

Báo cáo mới nhất từ Lầu Năm Góc về sức mạnh Nga -Trung về mối đe dọa không gian cho thấy một hệ thống laser có thể nhằm vào các mục tiêu và phá hủy các vệ tinh của Mỹ trong không gian đến từ mối liên minh này.

“Đặc biệt, Trung Quốc và Nga đang phát triển hàng loạt các phương tiện nhằm khai thác các yếu tố của Mỹ trên không gian đồng thời thách thức vị trí không gian của Mỹ”- Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết.

Báo cáo của Lầu Năm Góc có tên gọi “Challenges to Security in Space” (Thách thức an ninh không gian) đã nhắc đến tiềm lực không gian của Nga, Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc chiến không gian có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Để đề phòng, các vệ tinh của Mỹ được phóng và đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh từ hàng hải, mục tiêu vũ khí, thu thập tình báo.

“Nó bao gồm việc theo dõi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và kiểm soát hoạt động quân sự của Nga và Trung Quốc” – CNN dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Báo cáo Lầu Năm Góc ra đời trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy gia tăng các chương trình không gian và trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt Trăng vào đầu năm 2019.

Cùng với đó, Nga đang phát triển hệ thống tên lửa di động trên mặt đất có khả năng nhằm vào các mục tiêu không gian mà Mỹ xây dựng.

Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại Trung Quốc cũng có khả năng triển khai hệ thống laser đối phó với các cảm biến vệ tinh. Trong khi đó Nga đã từng giao vũ khí laser cho các Lực lượng Không gian Vũ trụ trước tháng 7/2018 nhằm thực hiện sứ mệnh chống tên lửa.

“Nga cũng đang phát triển hệ thống vũ khí laser trên không chống vệ tinh để chống lại các cảm biến quốc phòng trên không", báo cáo nêu rõ.

Để đối phó, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đặt các cảm biến cao cấp vào không gian trong kế hoạch Đánh giá Phòng thủ tên lửa mới bắt đầu từ tháng trước.

Theo chiến lược quốc phòng Lầu Năm Góc công bố hôm 17/6, Mỹ đang thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc và Nga kiểm soát không gian. Washington cũng dự tính dựa vào các đồng minh, cả về tài chính, để đạt mục tiêu chiến lược không gian.

“Trung Quốc và Nga đại diện cho mối đe dọa chiến lược quan trọng nhất, bởi vì họ đã phát triển, thử nghiệm và triển khai năng lực quân sự trong không gian và học thuyết quân sự của họ cũng dự kiến sử dụng chúng trong trường hợp xung đột xảy ra”.

Vừa “đàm”, vừa “đánh”?

Hai ngày sau khi Washington công bố “chiến lược phòng thủ mới trong không gian”, Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức tố cáo “sự hiếu chiến” trong chính sách không gian của chính quyền Mỹ.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ coi không gian như là chiến trường. Nga kêu gọi Mỹ tiếp cận vấn đề này một cách có trách nhiệm, bởi vì “một cuộc đối đầu vũ trang trong không gian có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược”.

Đồng thời, Moscow khẳng định chủ trương “ưu tiên sử dụng và thăm dò không gian chỉ vì mục đích hòa bình và nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

Chính vì vậy, Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề an ninh không gian. Theo kế hoạch, các phiên đàm phán sẽ diễn ra tại thủ đô Vienna, Áo vào 27/7.

Theo ông Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về lĩnh vực an ninh quốc tế - các cuộc đàm phán lần này đặt mục tiêu thúc đẩy các chuẩn mực về trách nhiệm của các quốc gia bên ngoài vũ trụ.

Đồng thời, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các bên trong đó có Nga, tạo ra môi trường ổn định và các công cụ quản lý khủng hoảng đối với các hành động trong không gian.

Tuy nhiên, chỉ cách đây mấy ngày, ngày15/7 vừa qua, quân đội Mỹ và Anh cáo buộc Nga đã phóng vào quỹ đạo một vật thể “không phù hợp với nhiệm vụ của một vệ tinh do thám”, có thể gây va chạm với một vệ tinh khác trong không gian, gây ảnh hưởng tới hòa bình khu vực.

“Cả 3 nước Mỹ - Nga và Trung Quốc đều chưa thật tâm đàm phán và luôn sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến không gian vào bất cứ lúc nào”, một quan sát viên tại Viện Nghiên cứu hòa bình tại Thụy Điển nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại