Mới đây, trang Modern Diplomacy đăng tải bài viết nhan đề "Precision Technologies: Replacement to Conventional Weapons?" (tạm dịch: Công nghệ chính xác: Sự thay thế cho vũ khí thông thường?) của tác giả Parkha Durrani.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là về những thay đổi về công nghệ cũng như chiến thuật đang diễn ra từng ngày ở khắp các khu vực đang diễn ra xung đột trên thế giới , chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Từ chính sách răn đe hạt nhân
Kể từ Thế chiến thứ 2, Mỹ và Liên Xô đã không ngừng tìm kiếm "sức mạnh răn đe" đối thủ bằng vũ khí hạt nhân và các công nghệ đi cùng với nó. Vũ khí hạt nhân được chế tạo với mục đích răn đe tương ứng với thiệt hại to lớn về quân sự - dân sự mà nó đem lại
Tới cuối thế kỷ 20, trước viễn cảnh đen tối của cuộc chiến tranh hạt nhân, các quốc gia trên thế giới đã nghiêng về hướng đàm phán các hiệp ước kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân và thông thường để giảm nguy cơ xung đột.
Răn đe bằng vũ khí hạt nhân là một khái niệm mang tính đa chiều, và có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Stability/ Instability Paradox (tạm dịch: Nghịch lý Ổn định/ Bất ổn định) cho rằng song song với việc ngăn chiến tranh tổng lực nổ ra, khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân đã mở cánh cửa cho các cuộc xung đột hạn chế.
"Bộ ba hạt nhân" là các nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân với mục đích răn đe.
Tới sự phát triển của vũ khí chính xác
Trong quá khứ, khi an ninh của các quốc gia được đảm bảo bằng vũ khí hạt nhân, các cuộc tranh luận về vũ khí chính xác thường ít được quan tâm.
Tuy nhiên, theo thời gian viễn cảnh tác động của một cuộc chiến tranh lớn đối từng quốc gia đã trở thành bài học cho các lực lượng chính trị - quân sự trên khắp thế giới nhằm hạn chế chiến tranh hạt nhân hoặc tổng lực.
Cho tới giữa những năm 1980, ý tưởng về khả năng tấn công chính xác xuất hiện, với mục tiêu loại bỏ thương vong dân sự và thiệt hại hạ tầng không đáng có trong khi vẫn tiêu diệt được mục tiêu đối phương.
Vào thế kỷ 21, một số dấu hiệu cho thấy vũ khí chính xác đang từng bước thay thế vũ khí hạt nhân để "thống trị" chiến lược an ninh toàn cầu.
Những tiến bộ trong công nghệ quân sự đã "mở ra cánh cửa" cho một cuộc "chiến tranh chính xác" và "thông minh" mà không cần huy động quá nhiều tài nguyên và lực lượng để đạt được mục tiêu quân sự mong muốn.
Theo Binh pháp Tôn Tử, "chiến lược tốt nhất là quan điểm thận trọng đối với chiến tranh (thận chiến) và hạn chế chiến tranh. Chiến lược thắng lợi trọn vẹn là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch".
Rõ ràng là vũ khí chính xác từng bước trở thành "công cụ" chính trong các cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn trên thế giới nhằm đạt được "thắng lợi trọn vẹn".
UAV Nga phát hiện bám sát UAV Mỹ ở Syria.
Các công nghệ vũ khí chính xác
Với số lượng lớn các loại vũ khí chính xác, liệu chúng có thể thay thế hoặc thậm chí là có tiềm năng để vượt qua vũ khí hạt nhân trong việc răn đe? Và những giới hạn trong việc thay thế khả năng răn đe của vũ khí hủy diệt hàng loạt bằng vũ khí chính xác là gì?
Dưới đây là một số công nghệ vũ khí chính xác:
Radar: Phát hiện, tổng hợp tín hiệu mục tiêu đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, "bám bắt" mục tiêu trước khi khai hỏa với độ chính xác cao là vai trò vô cùng quan trọng của các hệ thống Radar.
Dữ liệu vệ tinh: Việc vị trí chính xác của các mục tiêu được các vệ tinh trinh sát ghi nhận hoặc sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) đã làm giảm mạnh xác suất bắn trượt.
Máy bay không người lái (UAV): UAV được đánh giá là một công cụ "thông minh" và chính xác nhất trong "chiến tranh chính xác".
Nó có khả năng mang theo vũ khí để tiêu diệt các mục tiêu bị giám sát. Sự mở rộng của UAV trong quân sự đã giảm thiểu rủi ro liên quan tới tính mạng phi công cũng như khí tài (máy bay có người lái).
Tên lửa hành trình và đạn đạo: Đây là các loại vũ khí có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của đối phương, được bổ sung năng lực "ghi nhớ" chính xác các thông số như tầm bắn, đạn đạo, tốc độ và tải trọng đầu đạn mà nó mang theo
Tấn công mạng: Bằng cách sử dụng mạng Internet, các tin tặc có thể tiến hành tấn công mục tiêu của đối phương bằng nhiều cách như gián điệp, hack (tấn công thông qua lỗ hổng bảo mật...), tác động tới các trình điều khiển với mục đích phá hoại...
Không loại trừ khả năng chuỗi vụ cháy nổ chủ yếu do rò rỉ khí gas ở Iran là hậu quả của các cuộc tấn công mạng.
Kết luận
Các nhà phân tích cho rằng kho vũ khí hạt nhân ở bất kỳ khu vực nào có sự ánh xạ với môi trường an ninh chiến lược ở đó cũng như quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, tương quan kho vũ khí có thể giúp hiểu được các "đối tượng" trong một khu vực.
Ở khu vực Nam Á, Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia sở hữu và đang tiếp tục quá trình gia tăng kho vũ khí hạt nhân.
Gần như chỉ các cường quốc công nghiệp mới có đủ khả năng sở hữu vũ khí chính xác bởi các yêu cầu về tiềm năng thiết kế, vận hành các thiết bị công nghệ cao đòi hỏi các nguồn lực to lớn bao gồm kỹ thuật và kinh nghiệm, những ưu thế gần như "độc quyền".
Các hạn chế về phát triển vũ khí chính xác khiến Ấn Độ và Pakistan phải lựa chọn vũ khí hạt nhân như một giải pháp "cực chẳng đã" để răn đe.
Tuy nhiên công nghệ cũng là "con dao hai lưỡi" vì chúng được cho là dễ tổn thương và có khả năng phản tác dụng nếu tính toán sai lầm hoặc sai sót trong việc vận hành vũ khí.
Hậu quả ở mức "nhẹ nhàng" có thể sẽ là kết quả hoàn toàn khác so với mục tiêu ban đầu và để lộ chân tướng cho đối phương.
Ở mức độ nặng nề hơn, việc tiến hành tấn công chính xác mục tiêu đòi hỏi sự chính xác về tin tình báo, vị trí và thời điểm. Một sự chậm trễ hoặc bất cẩn có thể kích hoạt đối đầu mang tính chất hủy diệt tương tự như sai lầm trong việc vận hành vũ khí hạt nhân.
Modern Diplomacy (Ngoại giao hiện đại) là một ấn phẩm phân tích ngoại giao, quân sự và chính trị chủ yếu hoạt động tại Châu Âu.
Parkha Durrani là một nhà nghiên cứu về chiến lược và hạt nhân tại Đại học Quốc phòng, Islamabad, Pakistan.
Ngoài chủ đề hạt nhân, các bài viết của Durrani cũng phân tích về quá trình quân sự hóa không gian, an ninh mạng, chiến tranh thương mại, các chiến lược của Mỹ chính sách đối ngoại của Ấn Độ và phân tích về an ninh của khu vực Nam Á.
Iran phóng tên lửa hành trình tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq