Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị bệnh nhân bằng máy xạ trị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
PGS-TS-BS TRẦN THỊ TRUNG CHIẾN, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế:
Phải được đào tạo chuyên ngành về quản lý, quản trị
Để làm quản lý, trước hết thầy thuốc cần phải được đào tạo, hướng dẫn, được cập nhật thông tin, đặc biệt phải được đào tạo chuyên ngành về quản lý, quản trị. Thiếu các yếu tố này sẽ rất khó để người thầy thuốc quản lý tốt và dĩ nhiên sẽ khó hoàn thành tốt công việc được giao. Làm cán bộ quản lý cũng không thể thiếu yếu tố năng khiếu, bởi năng khiếu rất quan trọng. Có người làm quản lý không được đào tạo nhiều nhưng họ có năng khiếu nhạy bén với vấn đề quản trị và ứng xử với xã hội nhanh, phù hợp. Cuối cùng, người được bổ nhiệm làm quản lý phải trên tinh thần tự nguyện.
Thời gian qua, ngành y gặp rất nhiều khó khăn, có lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần là đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, bệnh viện có tâm lý sợ sai, làm việc cầm chừng, chiếu lệ; có người được bổ nhiệm nhưng xin rút… Các vướng mắc về pháp lý đối với việc mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công đang là rào cản lớn nhất, làm chùn chân đội ngũ thầy thuốc. Điều cần làm nhanh hiện nay là phải minh bạch các thể chế, chính sách y tế. Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, nhưng nếu các văn bản hướng dẫn dưới luật chậm ban hành và chưa có “cơ chế khẩn cấp”, đặc thù thì mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông NGUYỄN CÔNG LONG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV:
Nên thí điểm thuê giám đốc điều hành
Nước ta là một trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm. Nghĩa là giám đốc bệnh viện công là những người giỏi chuyên môn, y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý trang thiết bị, nguồn nhân lực, hạ tầng, làm chất lượng khám chữa bệnh kém đi, thiếu tính chuyên nghiệp.
Cơ quan chức năng cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý điều hành bệnh viện, bên cạnh các quy định về hành nghề khám chữa bệnh. Đồng thời, cần xem xét quy định về tiêu chuẩn các nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Chúng ta nên thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành, thay những nhà quản lý chuyên môn bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp. Giám đốc điều hành không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý. Điều này nhằm tạo ra bước đột phá, nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công phù hợp với xu hướng của thế giới, quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc cho bệnh nhân.
TS-BS NGUYỄN TRỌNG HÀO, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM:
Giám đốc bệnh viện công lập phải là bác sĩ
Các giám đốc bệnh viện hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như: tự chủ tài chính, áp lực phải không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhân viên y tế nghỉ việc, mua sắm thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị… Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định giám đốc bệnh viện công lập phải là bác sĩ, vì bệnh viện là một môi trường đặc biệt với những chủ thể quản lý đặc biệt như nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân nguời bệnh. Cán bộ quản lý bệnh viện có trải nghiệm thực tế về công tác chuyên môn sẽ thuận lợi hơn trong việc hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng của nhân viên và thấu cảm với nỗi đau, mong muốn của người bệnh. Từ đó họ sẽ quản lý bệnh viện tốt hơn, miễn là họ phải được đào tạo và luôn có ý thức tự trau dồi về quản lý tài chính, quản trị nhân sự cũng như những kỹ năng mềm khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Ông BÙI VĂN HÀ, 72 tuổi, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội:
Lãnh đạo không nhất thiết phải giỏi chuyên môn
Việc tách bạch giữa làm chuyên môn giỏi và quản lý giỏi tại bệnh viện nên làm từ rất nhiều năm trước. Một bác sĩ giỏi thì chỉ nên chú tâm vào việc chuyên môn, chữa bệnh cho bệnh nhân; vì để có được chuyên môn giỏi, yêu cầu người bác sĩ ấy phải trải qua quá trình dài học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nên khó có thời gian để học tập, tìm hiểu về phương pháp quản lý. Dưới góc độ là một bác sĩ đã từng công tác trong ngành quân y, tôi xin có ý kiến là: bác sĩ giỏi thì nên tập trung cống hiến tài năng, năng lực của mình để chữa bệnh thật tốt cho nhân dân. Còn nếu làm lãnh đạo một bệnh viện, không nhất thiết phải giỏi chuyên môn nhưng đòi hỏi phải am hiểu các quy định pháp luật, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn cả các lĩnh vực khác, đồng thời cần được đào tạo bài bản về công tác quản lý Nhà nước, thậm chí cả về quản trị doanh nghiệp.
Anh NGUYỄN THANH LUÂN, Bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy:
Không nên quy định cứng nhắc giám đốc phải là bác sĩ
Là một người dân được thụ hưởng và được chăm sóc sức khỏe từ các bác sĩ ở nhiều bệnh viện công, tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi quan niệm giám đốc bệnh viện phải là giáo sư, tiến sĩ về y khoa, phải là người có học hàm, học vị cao trong ngành y tế. Rõ ràng thực tế này đang diễn ra tại nhiều bệnh viện, nhưng chúng ta cần thấy rằng, nếu xét về mặt chuyên môn thì họ rất giỏi trong chăm sóc, phục vụ người bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, để giải quyết các vấn đề liên quan tới kinh tế, vật tư, thuốc men, thiết bị thì có thể họ làm chưa tốt. Rõ ràng, trong việc nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc men, vật tư y tế, ngoài các bất cập về quy định pháp lý còn có cả sự e dè, lo ngại, không dám quyết của người lãnh đạo bệnh viện vì họ chỉ có chuyên môn khám chữa bệnh.
Để hệ thống khám chữa bệnh thực sự vững chắc và phát triển bền vững, Bộ Y tế nên cho phép các bệnh viện công được thuê người quản lý điều hành chung, còn điều hành chịu trách nhiệm chuyên môn phải là giáo sư, bác sĩ. Nếu quy định cứng nhắc giám đốc bệnh viện là giáo sư, bác sĩ ngành y thì họ tập trung vào quản lý, điều hành mọi lĩnh vực của bệnh viện mà không còn nhiều thời gian cho phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh.
Nhà báo BÙI HƯƠNG, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông:
Giám đốc phải là người đã có trải nghiệm khám chữa bệnh
Giám đốc bệnh viện phải là người có chuyên môn về y khoa và quản trị kinh doanh, nhưng có lẽ tốt nhất là một bác sĩ có trải nghiệm về công tác khám chữa bệnh, có kỹ năng quản lý chất lượng bệnh viện, nắm vững các quy định pháp luật có liên quan và được đào tạo bổ sung kiến thức về quản trị kinh doanh. Họ phải được đào tạo bổ sung các chương trình quản lý, không chỉ đơn thuần là quản trị nhân sự mà còn cả kinh tế, chính sách. Không thể chỉ giỏi chuyên môn mà làm giám đốc bệnh viện. Làm quản lý bệnh viện, nếu là bác sĩ thì không chỉ có chuyên môn mà cần phải bổ sung nhiều kiến thức quản lý.
Anh CAO VŨ LÂM, 72 Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM:
Chuyên môn xuất sắc nhưng làm quản lý có khi không tốt
Nên tách bạch giữa quản lý và chuyên môn tại các bệnh viện công lập. Người lãnh đạo cần phải quản trị giỏi, biết cách sử dụng người và để những người có chuyên môn sâu, giỏi tay nghề tập trung chữa trị và giảng dạy, nghiên cứu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tôi đi nhiều bệnh viện và nhận thấy, quy trình khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện công là mỗi nơi làm một kiểu, tập trung nhiều bác sĩ có chuyên môn giỏi, nhưng quản trị thì vẫn còn lúng túng, thậm chí có nơi yếu kém. Vì vậy, để ngành y tế phát triển hơn, theo tôi, giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là bác sĩ mà cần nhất là người có năng lực quản lý giỏi. Việc đưa bác sĩ làm giám đốc bệnh viện là một sự uổng phí, vì một người giỏi chuyên môn phải làm quản lý hành chính, tức không còn thời gian cho nghiên cứu, điều trị. Giỏi chuyên môn kỹ thuật và giỏi quản lý là hai chuyện khác nhau. Nhiều người có trình độ chuyên môn rất xuất sắc nhưng có khi làm quản lý thì lại không tốt.