Thấy con sơn móng tay khi đang học lớp 7, người bố có hành động khiến bác sĩ tâm lý 'chào thua'

Ngọc Minh |

Ở giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ có những sự thay đổi rất lớn về cơ thể và tính cách. Ở giai đoạn này nếu bố mẹ không hiểu trẻ thì sẽ rất khó có thể làm bạn được với con.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP, chỉ riêng trong tháng 8 bác sĩ đã tiếp nhận điều trị cho 7 trường hợp trẻ ở tuổi vị thành niên có những rối loạn cảm xúc. Nhóm trẻ này đang trong độ tuổi dậy thì nhưng không được bố mẹ lắng nghe về những tâm tư, nguyện vọng khiến cho trẻ 'lao đầu' vào game, sống thu mình và có những rối loạn về cảm xúc.

Điển hình đó là trường hợp của cô bé học lớp 7 tên Lan đang trong độ tuổi dậy thì nhưng không có sự đồng hành của bố và mẹ. Mẹ cô bé đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, bố thì là một người cục mịc, nóng tính, không hiểu con.

Thấy con sơn móng tay khi đang học lớp 7, người bố có hành động khiến bác sĩ tâm lý chào thua - Ảnh 1.

Bác sĩ Bách, ảnh PV

Khi Lan sơn móng tay, về nhà ống bố đã ép buộc cắt hết móng tay của cô bé. Bố của Lan còn nói: "Sao lại đú đởn, sơn móng tay này nọ…".

Bác sĩ Bách cho biết, hành động của người bố khiến cho bác sĩ phải "chào thua". Bởi, chính hành động này của người bố đã đẩy Lan đến trạng thái ngày càng ít nói, học hành sa sút sống thu mình.

Khi thấy con gái có những biểu hiện bất thường, người bố mới nhờ bác sĩ tư vấn tâm lý. Khi nói chuyện với Lan, bác sĩ Bách biết được lý do em đi sơn móng tay không phải đua đòi, ăn chơi gì cả: "Mọi người khen ngón tay đẹp, con chỉ muốn sơn màu trầm để bàn tay nhìn đẹp hơn thôi. Bố không hiểu con, khiến con thấy đơn độc. Con lớn rồi mà bố lại ép buộc cắt toàn bộ móng tay của con đi. Con thấy mình không được bố tôn trọng", Lan nói.

Trường hợp của Lan sau khi được bác sĩ can thiệp tâm lý đã trở về trạng thái ổn định. Tuy nhiên, bác sĩ Bách cũng khuyên người bố nên điều trị tâm lý để cân bằng lại cảm xúc.

Bác sĩ Bách nhận thấy người bố đang có hành động bạo hành con gái về nhận thức, tư duy và tinh thần.

Do ông bố ở nhà chăm con, vợ đi xuất khẩu lao động nước ngoài tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình. Trong quá trình tư vấn tâm lý, bác sĩ nhận ra ông bố bị ám thị về sự kém cỏi. Ông bố sợ bản thân ở nhà không quản lý được con khiến con hư, khi về vợ sẽ đổ lỗi cho mình.

Cả hai bố con sau khi điều trị đã tìm được tiếng nói chung. Hai bố con đã cởi mở với nhau hơn, ông bố cũng biết cách tôn trọng và đồng hành cùng con gái nhiều hơn.

Đừng áp đặt sở thích của con

Theo bác sĩ Bách, khi nói chuyện với các bệnh nhân là học sinh tới điều trị, các em đều không biết mình học để làm gì. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc bố mẹ đang áp đặt con quá mức.

Trường hợp em Huy Khánh (lớp 9, tại Hà Nội) không thích học tiếng anh nhưng bố mẹ ép con phải học. Bố mẹ lo sợ không có tiếng anh, sau này con sẽ không có cơ hội. Do bị ép buộc, gây sức ép từ bố mẹ nên em bỏ học và 'lao đầu' vào game. Khánh coi thế giới trong game mới là thế giới mà mình được sống, chơi theo đúng ý muốn.

Khi bố mẹ thấy con quá mê game, cấm đoán và không cho Huy Khánh chơi game nữa, em đã nhảy từ tầng 2 xuống đất. Kết quả Khánh bị gãy xương đùi và hiện đang được điều trị cai nghiện game.

Hoặc như trường hợp của Phương Anh, cô bé gần như vô cảm với thế giới xung quanh, không còn yêu thích điều gì và không có động lực. Nguyên nhân là do vào thời điểm cô bé dậy thì, những ước mơ, khát khao của cô bé đã không được bố mẹ chắp cánh.

Bác sĩ Bách tâm sự Phương Anh muốn thi vào một trường nghệ thuật nhưng bố mẹ dập tắt ước mơ của cô bé vì cho rằng không phù hợp. Phương Anh thất vọng nhưng cô bé vẫn học theo định hướng của bố mẹ.

Tới khi học hết cấp 3, bố mẹ muốn Phương Anh thi vào trường đại học có ngành nghề giống với bố mẹ để sau này xin việc dễ dàng. Khi thấy Phương Anh không hào hứng bố mẹ lại nhờ bạn bè, thầy cô tác động. Cuối cùng Phương Anh đã thi vào trường đại học theo ý bố mẹ và trúng tuyển.

Cầm giấy trúng tuyển, Phương Anh thở dài, nhốt mình trong phòng không muốn nói chuyện với ai.

Theo bác sĩ Bách, khi Phương Anh tới can thiệp tâm lý, bác sĩ hỏi và em có chia sẻ: "Con không hiểu vì sao phải học theo bố mẹ. Con đang học cho bố mẹ, chứ không phải cho con".

Đối với trường hợp của Phương Anh bác sĩ Bách cho rằng em đã có những kìm nén tâm lý từ khi học lớp 8, tới thời điểm học đại học mới bùng phát.

Qua những câu chuyện trên, bác sĩ Bách mong muốn cha mẹ cần phải thấu hiểu con, đồng hành cùng con ở mỗi giai đoạn. Muốn làm bạn cùng con thì cha mẹ cần phải hạ cái tôi của bản thân xuống. Cha mẹ cần tránh ép buộc con làm những gì con không muốn, thay vào đó cha mẹ cần động viên và gợi mở hướng đi cho con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại