Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh Mỹ (CDC), khoảng 1/4 số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi không gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo bệnh nào ở giai đoạn đầu.
Nhiều trường hợp chỉ tình cờ phát hiện bị căn bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ 2 thế giới này khi thực hiện chụp X-quang ngực. Còn 3/4 bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư này có triệu chứng.
Khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, điều đó đồng nghĩa với việc mầm bệnh cũng đang tiến triển hoặc đã lan rộng đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Thực tế, ung thư phổi xuất hiện do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào trong mô phổi. Nếu không được chữa trị, nó có thể lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Hiện có 2 loại ung thư phổi phổ biến là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải dạng tế bào nhỏ.
Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có những người hút thuốc lá mới đối mặt với nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nhưng thực tế cho thấy căn bệnh này cũng phát triển ở đối tượng không hút thuốc.
Bởi các yếu tố khác như khói thuốc lá, khí radon, ô nhiễm không khí và các loại khí độc hại khác từ môi trường như amiang cũng là nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi.
Nếu khi bạn thấy các dấu hiệu và triệu chứng sau đây, để loại trừ bị ung thư phổi, bạn nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu cảnh báo sớm
1. Ho dai dẳng, ngày càng nặng hơn
2. Hô hấp suy giảm như thở dốc
3. Đau ngực kéo dài
4. Ho ra máu
5. Khàn giọng
6. Thường xuyên bị viêm phổi
7. Luôn cảm thấy mệt mỏi, bất lực
8. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Khi ung thư phổi đã di căn có thể gây những biểu hiện sau:
- Đau xương ( Đau vùng lưng hoặc vùng hông)
- Có những thay đổi về hệ thần kinh ( như đau đầu, yếu hay tê cẳng chân, cẳng tay; hoa mắt, gặp vấn đề thăng bằng, lên cơn tai biến,..) do ung thư di căn lên não hay tủy sống
- Vàng da và mắt do ung thư di căn tới gan
- Nổi các khối u trên bề mặt do ung thư di căn đến da hay các hạch lympho (ung thư tấn công vào các tế bào miễn dịch), như nổi các hạch vùng cổ hay trên xương đòn.
Sàng lọc ung thư phổi
Ung thư phổi có thể được phát hiện sớm bằng chụp CT. Những người hút thuốc hay có người thân nghiện thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm, những người từ 55 đến 80 tuổi được khuyến cáo đi sàng lọc ung thư phổi.
Nếu bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nên định kỳ đi kiểm tra sức khỏe phổi. Ở những người trẻ nếu dừng hút thuốc trong vòng 15 năm có thể ngừng khám sàng lọc ung thư phổi.
Cách phòng ngừa ung thư phổi:
- Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc với chất gây ung thư trong không khí tại nơi làm việc.
- Tránh đi đến các khu vực bị ô nhiễm nặng, những khu công nghiệp hóa.
- Thực hiện một lối sống lành mạnh: Ăn uống cân bằng, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng...
- Luôn vận động và tập thể dục hàng ngày.
- Đi khám sức khỏe định kỳ.
* Theo WebMD