Đối với một số người chưa có ý định sinh con thì biện pháp tránh thai là một việc rất quan trọng, trong đó thắt ống dẫn tinh là phương pháp dành cho nam giới. Tuy nhiên, có không ít vấn đề liên quan khiến nhiều đấng mày râu còn băn khoăn về cách tránh thai này.
Chồng thắt ống dẫn tinh, vợ vẫn mang thai, cả nhà hồi hộp chờ xét nghiệm ADN
Tháng 7/2023, Tòa án ở Hạ Môn (Trung Quốc) tiếp nhận trường hợp một bệnh viện bị kiện ra tòa với lý do bệnh viện đã thực hiện thắt ống dẫn tinh cho người chồng nhưng sau đó vợ anh lại mang thai. Cặp đôi đã đệ đơn kiện bệnh viện, yêu cầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Nhân vật chính của vụ án này là anh Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), người đã trải qua ca phẫu thuật thắt ống dẫn tinh tại một bệnh viện ở Hạ Môn vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, điều anh không ngờ tới là đầu năm 2021, vợ anh được phát hiện có thai.
Trong quá trình xét xử, phía bệnh viện giải thích, anh Hoàng đã tiến hành giám định lại vào tháng 5/2020 và báo cáo cho thấy vẫn còn tinh dịch. Bác sĩ nói rõ với anh rằng phải mất từ 3-6 tháng nữa và khoảng 10 lần xuất tinh mới có thể khỏi hoàn toàn. Bệnh viện cũng cho biết phẫu thuật thắt dây chằng được thực hiện không đạt hiệu quả 100% và quá trình hồi phục tự nhiên có thể xảy ra sau 2 năm phẫu thuật.
Trường hợp chồng thắt ống dẫn tinh, vợ có thai không phải là hiếm xảy ra. Bác sĩ sản phụ khoa Tô Nhật Ninh (Hồng Kông, Trung Quốc) chia sẻ về trường hợp của chị Lâm khoảng 40 tuổi (sống tại Hồng Kông, Trung Quốc) cùng chồng tìm đến phòng khám vì lo lắng có khối u tử cung hoặc buồng trứng. Thế nhưng, sau khi BS Tô yêu cầu thử thai thì kết quả cho thấy chị Lâm đã mang thai. Chị Lâm cho rằng điều này không thể xảy ra vì chồng chị đã triệt sản bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh được hơn 7 năm. Thời gian gần đây, hai người rất ít khi quan hệ. Cả hai cũng nghĩ rằng anh không còn "phong độ" như xưa. Vì điều này mà vợ chồng chị lục đục, cãi nhau. Cuối cùng, bác sĩ Tô đã phải sắp xếp cho anh chồng đi xét nghiệm tinh dịch. Kết quả chỉ ra trong tinh dịch của anh vẫn chứa tinh trùng sống có khả năng gặp trứng và thụ thai. Để chắc chắn hơn, họ còn thực hiện xét nghiệm huyết thống thai nhi và kết quả chỉ ra đứa bé đang lớn dần lên trong bụng chị Lâm thật sự là con ruột của người chồng.
Sharon Legg (33 tuổi) và chồng là Andy (khi đó 34 tuổi), sống ở Southbourne (Anh) đã phải thực hiện xét nghiệm ADN để giải tỏa mọi nghi ngờ về đứa con thứ 4 của hai người. Câu chuyện là, sau khi sinh đứa con thứ 3, Sharon bị trầm cảm. Quyết định không sinh thêm con nữa nên Andy (khi đó 25 tuổi) đã thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, sau đó Sharon lại mang thai. Andy đã quay trở lại nơi làm triệt sản để xét nghiệm tinh trùng thì kết quả không còn tinh trùng trong tinh dịch. Mối nghi ngờ đổ dồn lên Sharon. Phải cho tới khi con trai chào đời, cả nhà quyết định xét nghiệm ADN để giải tỏa nghi ngờ thì kết quả cho thấy em bé chính là con của Andy.
Thắt ống dẫn tinh là phương pháp ngừa thai an toàn, hiệu quả (tỷ lệ hiệu quả 99,9%) và vĩnh viễn so với thắt ống dẫn trứng ở nữ thì rẻ hơn, ít xâm lấn hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn. Theo trang web Verywell, 500.000 người ở Hoa Kỳ tiến hành triệt sản mỗi năm và đây là phương pháp ngừa thai được sử dụng rộng rãi nhất ở Canada.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ quốc gia nào, vẫn còn khá nhiều câu hỏi khiến các gia đình băn khoăn khi đề cập đến phương pháp tránh thai này, chẳng hạn như: Chất lượng đời sống tình dục sau khi triệt sản có bị ảnh hưởng không? Sau khi thắt ống dẫn tinh thì khả năng sinh sản sẽ thế nào?...
Để hiểu rõ hơn về thắt ống dẫn tinh ở nam giới, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương, đã có một số chia sẻ như sau:
Thắt ống dẫn tinh thì tinh trùng đi đâu nếu không ra ngoài? Như vậy có ảnh hưởng sức khỏe không?
Tinh trùng trưởng thành trong mào tinh hoàn trước khi theo ống dẫn tinh đi tới niệu đạo vì vậy khi ống dẫn tinh bị thắt lại, tinh trùng được sinh ra sẽ ở trong mào tinh hoàn và được tái hấp thu sau khi thoái hóa. Quá trình này không gây ảnh hưởng tới cơ thể.
Thắt ống dẫn tinh có ảnh hưởng đến giới tính không vì nhiều người sợ rằng sau khi thắt, sự nam tính sẽ giảm đi?
"Sự nam tính" thường do hormone sinh dục nam testosterone phụ trách, với các tác dụng làm phát triển và trưởng thành cơ quan sinh dục nam, xương khớp, cơ bắp, vỡ giọng, ham muốn tình dục và sản xuất tinh trùng. Vì vậy khi nhắc tới lo lắng giảm nam tính sau thắt ống dẫn tinh, tức là nhắc tới nồng độ testosterone có bị giảm sau thủ thuật hay không.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có sự khác biệt đáng kể giữa testosterone toàn phần và testosterone tự do trước và sau khi thắt ống dẫn tinh. Ngoài ra kích thước tinh hoàn và mào tinh hoàn cũng không thay đổi, khả năng hoạt động của tinh hoàn không bị ảnh hưởng sau khi cắt ống dẫn tinh trong thời gian dài.
Những báo cáo cho thấy rằng việc sản xuất tinh trùng và lưu trữ/loại bỏ tinh trùng có thể vẫn được cân bằng sau khi mào tinh hoàn bị căng trong thời gian dài. Các nghiên cứu cũng chỉ ra không có mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và sự khởi phát suy sinh dục nam.
Như vậy, thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng tới giới tính hay gây ra suy sinh dục hay giảm sự nam tính ở nam giới.
Sau khi thắt ống dẫn tinh có ảnh hưởng khả năng trong chuyện vợ chồng hay không?
Nhiều bệnh nhân lo ngại về mối liên quan giữa thắt ống dẫn tinh và chức năng tình dục, đồng thời lo lắng rằng chất lượng đời sống tình dục của họ có thể bị ảnh hưởng sau phẫu thuật. May mắn thay, hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều chỉ ra rằng thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến chức năng tình dục hoặc thậm chí có thể cải thiện nó.
Tuy nhiên các báo cáo đã chỉ ra rằng nam giới có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng trầm cảm và lo lắng sau khi thắt ống dẫn tinh. Chính sự lo lắng và các vấn đề về sức khỏe tinh thần mới kích hoạt sự giải phóng các hormone thần kinh adrenaline và noradrenaline. Điều này làm co các cơ trơn trong thể hang dẫn đến mất trương lực, do đó không có khả năng duy trì sự cương cứng đủ lâu để hoàn thành quan hệ tình dục.
Có trường hợp nào thắt ống dẫn tinh mà vẫn có con không?
Thắt ống dẫn tinh là một trong những cách tốt nhất để tránh thai, với tỷ lệ mang thai khoảng 1/1.000 sau năm đầu tiên và từ 2-10/1.000 sau 5 năm. Hầu hết các báo cáo chỉ ra rằng sau khi thắt ống dẫn tinh, một cặp vợ chồng có ít hơn 1% cơ hội mang thai.
Nhiều trường hợp thắt ống dẫn tinh vẫn mang thai là do phát sinh quan hệ quá sớm sau khi làm thủ thuật. Trong khi sau thủ thuật, cần ít nhất 2 tháng với hàng chục lần xuất tinh để loại bỏ hoàn toàn tinh trùng khỏi tinh dịch. Nhưng cũng có những trường hợp thắt ống dẫn tinh bị lỗi, không hiệu quả. Hoặc qua thời gian quá lâu xảy ra trục trặc, khi hai phần của ống dẫn tinh thông lại với nhau. Vì vậy, việc kiểm tra định kỳ là vô cùng quan trọng.
Đã thắt ống dẫn tinh rồi thì sau này có thể tháo ra và có con lại như bình thường không?
Bản chất của thủ thuật thắt ống dẫn tinh là cắt một đoạn nhỏ sau đó thắt 2 đầu ống lại, vì vậy muốn tái thông thì cần gỡ điểm thắt và nối lại, hoặc nối ống dẫn tinh tới mào tinh hoàn. Phẫu thuật này hiện đã và đang trở nên phổ biến hơn. Thường mất khoảng từ 1 tháng đến 1 năm thì tinh trùng sẽ lại xuất hiện trong tinh dịch đồ.
Hiện tại với những tiến bộ trong vi phẫu, tỷ lệ có thai lại tương đối khả quan, tuy nhiên còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả mang thai như hút thuốc, tuổi người mẹ, chất lượng tinh dịch đồ. Tỷ lệ mang thai tự nhiên sau đảo ngược thắt ống dẫn tinh khoảng 44.4%, và tăng lên thêm 14.2% khi dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.