Than từ Nga vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam: Giá rẻ kỷ lục, sản lượng tăng 3 chữ số

Khánh Vy |

Để đảm bảo sản xuất điện 2024, Việt Nam đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này.

Than từ Nga vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam: Giá rẻ kỷ lục, sản lượng tăng 3 chữ số - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 4,98 triệu tấn, tương đương hơn 688 triệu USD trong tháng 11/2023, tăng mạnh 117,7% về lượng và tăng 60% về trị giá so với tháng 11/2022. Tính chung trong 11 tháng đầu năm, nhập khẩu than đạt hơn 46,3 triệu tấn với trị giá hơn 6,54 tỷ USD, tăng 58,6% về lượng nhưng giảm nhẹ 1,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá nhập khẩu bình quân 11 tháng ghi nhận giảm kỷ lục, đạt 141,3 USD/tấn, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Than từ Nga vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam: Giá rẻ kỷ lục, sản lượng tăng 3 chữ số - Ảnh 2.

Xét về thị trường, Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm với 18,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,02 tỷ USD, chiếm 39,2% tỷ trọng. Đứng thứ 2 là Indonesia, cung cấp cho Việt Nam hơn 17,3 triệu tấn than, tương đương 1,89 tỷ USD, chiếm 37,3% tỷ trọng.

Nga là thị trường đứng thứ 3, đây cũng là quốc gia ghi nhận xuất khẩu tăng mạnh nhất vào Việt Nam trong tất cả các thị trường.

Cụ thể, trong tháng 11/2023, nhập khẩu than từ Nga đạt hơn 729 nghìn tấn với trị giá 127,6 triệu USD, tăng mạnh 876% về lượng và tăng 676,8% về kim ngạch so với tháng 11/2022.

Tính chung trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam chi khoảng 789 triệu USD để nhập khẩu hơn 4,08 triệu tấn than từ Nga, tăng 97,2% về sản lượng và tăng 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 8,8% về lượng và 12,04% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân 11T/2023 đạt 193,2 USD/tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài Nga, một thị trường khác cũng đẩy mạnh xuất khẩu than vào Việt Nam trong tháng 11 là Trung Quốc (tăng 878% về lượng, tăng 639% về kim ngạch).

Than từ Nga vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam: Giá rẻ kỷ lục, sản lượng tăng 3 chữ số - Ảnh 4.

Hiện nay, điện than, điện khí và thuỷ điện là ba nguồn quan trọng để duy trì công suất nền của ngành điện. Tuy nhiên, tại miền Bắc - khu vực đang rất “nóng” về vấn đề năng lượng chỉ có hai loại hình điện chính là thuỷ điện và điện than (điện khí tập trung chủ yếu ở phía Nam). Đối với thuỷ điện, thời tiết bắt đầu bước vào giai đoạn El Nino, mưa ít, thuỷ văn kém, nên các nhà máy thuỷ điện có thể sớm mất lợi thế.

Than trong nước được khai thác ở mức 43-45 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng khoảng một nửa lượng than cho các nhà máy điện than. Với quy mô điện than như hiện tại, ước tính than trong nước chỉ đảm bảo cho sản xuất dưới 20% tổng sản lượng điện; các nhà máy còn lại phải nhập khẩu than, hoặc sử dụng than trộn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, từ mức 6,9 triệu tấn của năm 2015 đã tăng lên mức “đỉnh” trên 54 triệu tấn vào năm 2020. Chỉ riêng 11 tháng năm 2023, nhập khẩu than đã vượt 46 triệu tấn.

Chi phí sản xuất - kinh doanh điện ở mức cao, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành chỉ tăng 3% kể từ năm 2019 đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí, dẫn đến ngành điện được dự báo còn gặp không ít khó khăn.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành phê duyệt về biểu đồ cấp than cho sản xuất điện 2024. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn. Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024.

Hồi đầu tháng 11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại