Được biết tới là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không bắn xa nhất thế giới, S-200 (NATO định danh là SA-5 Gammon) tưởng như sẽ có lịch sử "hào hùng" như các "đàn em" S-75 Dvina hay S-125 Pechora.
Thế nhưng, "người tính không bằng trời tính", suốt mấy chục năm phục vụ, tới khi "gần tuổi nghỉ hưu", S-200 chưa bao giờ có những chiến tích vang dội.
Tham chiến lần đầu tiên vào năm 1986, S-200 nhanh chóng thảm bại trước một quả tên lửa của Không quân Mỹ.
Ngày 25/3/1986, phòng không Libya đã bắn hai quả đạn S-200 vào các máy bay Hải quân Mỹ trên vịnh Sidra nhưng trượt mục tiêu. Đáp trả, cường kích A-7 cất cánh từ tàu sân bay USS Saratoga đã phóng tên lửa AGM-88 HARM phá hủy "trái tim" là radar điều khiển hỏa lực 5N62 của S-200.
15 năm sau, S-200 chưa lập được bất kỳ công trạng nào thì phòng không Ukraine đã giúp nó ghi "vết nhơ" đầu tiên vào bảng thành tích trống rỗng.
Không thấy mục tiêu, tự "bắt"…máy bay chở khách
Ngày 4/10/2001, một chiếc máy bay Tu-154 của Hãng Hàng không Siberia Airlines (Nga) rơi trên bán đảo Crimea. Toàn bộ hành khách 66 người cùng phi hành đoàn 12 người thiệt mạng.
Một cuộc điều tra quyết liệt sau đó đã tìm ra sự thật "chấn động" – tên lửa S-200 lực của phòng không Ukraine trong khi tập trận đã bắn nhầm chiếc Tu-154 đang trong hành trình từ Tel-Aviv tới Novosibirsk.
Nguyên nhân được xác định, thời điểm xảy ra thảm kịch chiếc Tu-154 bay gần khu vực mà Quân đội Ukraine tập trận phòng không thực binh có bắn đạn thật.
Khi đó, một tên lửa S-200 đã được phóng đi nhằm tiêu diệt bia bay, tuy nhiên người ta không nhận ra rằng mục tiêu này đã bị bắn hạ bởi một quả S-300 phóng đi trước đó.
Ảnh minh họa.
Quả đạn S-200 do không có cơ chế tự hủy sau khi không tìm ra mục tiêu đã tự động bám vào chiếc máy bay Tu-154 của Siberia Airlines gần đó.
Tên lửa đã lao tới chiếc Tu-154 chở 66 hành khách với vận tốc siêu âm và nổ cách thân máy bay chỉ 15m. Đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217kg đương nhiên tạo ra vùng sát thương khủng khiếp xé toạc mọi thứ.
Sau sự việc này, phía Ukraine đã cấm tất cả các cuộc thử nghiệm với các hệ thống Buk, S-300 cũng như các hệ thống phòng không tương tự trong vòng 7 năm.
Bắn nhiều, trúng ít, nhầm cả đồng đội
Trở lại chiến trường vào năm 2016 ở Syria, "vận đen" của S-200 vẫn chưa hết khi dưới bàn tay của binh sĩ Syria nó vẫn hứng chịu nhiều thất bại. Thậm chí một lần nữa gây ra thảm kịch bắn nhầm với tác động nghiêm trọng hơn lần trước.
Ngày 12/9/2016, ngay sau khi được Quân đội Nga giúp khôi phục hoạt động, lực lượng phòng không Syria đã sử dụng S-200 tấn công máy bay của Israel. Mặc dù Damascus tuyên bố bắn hạ nhưng phía Israel phủ nhận và thực tế thì Syria không đưa ra được bằng chứng rõ ràng.
Ngày 17/3/2017, Không quân Israel tiến hành cuộc không kích gần Palmyria, phòng không Syria không ngần ngại đáp trả bằng S-200. Cũng như lần trước, Syria cho rằng họ đã bắn rơi nhưng không có hình ảnh xác thực rõ ràng.
Đáng chú ý, các quả đạn S-200 ngày hôm đó không tự hủy mà bay hết tầm "xộc" vào không phận Israel. Hai quả "hạ cánh" trên lãnh thổ Israel không gây thiệt hại, trong khi một quả bị tên lửa Arrow đánh chặn.
Ngày 16/10/2017, S-200 Syria đặt ở phía Đông Damascus tiếp tục phóng tên lửa vào máy bay Israel trên không phận Lebanon. Đáp lại, Israel "phản pháo" phá hủy đài điều khiển 5N62 bằng 4 quả bom.
Mảnh xác máy bay IL-20 của Nga đang được trục vớt lên tàu cứu hộ.
Sau nhiều nỗ lực "đón bắt", ngày 10/2/2018, phòng không Syria sử dụng S-200 bắn rơi một máy bay F-16I Sufa khi Tel-Aviv tiến hành cuộc không kích gồm 8 máy bay. Vụ bắn rơi đã được công nhận từ các bên, hai phi công trên máy bay may mắn chỉ bị thương.
Chiến thắng này có thể đem lại sự khích lệ lớn với lực lượng phòng không Quân đội Syria.
Thế nhưng, "niềm vui chẳng tày gang", đêm 15 rạng ngày 16/9, một tổ hợp S-200 bị Israel đánh hỏng trong cuộc không kích bất thình lình vào Damascus.
Hai hôm sau, tên lửa S-200 của Syria gây ra thảm kịch nặng nề nhất chỉ sau vụ bắn rơi máy bay Tu-154 năm 2001.
Trong quá trình đánh trả cuộc không kích của Pháp và Israel, S-200 Syria đã bắn rơi máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Không quân Nga khiến 15 người trên máy bay thiệt mạng.
Dẫu rằng sau đó Bộ Quốc phòng Nga sớm lên tiếng cáo buộc Israel "gián tiếp" gây ra thảm kịch.
"Các phi công Israel đã lợi dụng máy bay IL-20 của Nga làm bức màn che chắn và dàn dựng để bị ngắm bắn bởi tên lửa phòng không Syria. Thật không may, chiếc IL-20 với diện tích phản xạ hiệu dụng radar lớn hơn nhiều so với tiêm kích F-16, vì thế nó đã trúng phải quả đạn tên lửa phòng không S-200 của Syria", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Tuy nhiên, "thành tích" bắn rơi chiếc IL-20 thì chắc chắn không thay đổi trong hồ sơ tên lửa đất đối không S-200.
Sau sự việc này, khó có thể hi vọng Syria sẽ cho S-200 nghỉ hưu vì thực tế "chuyện bắn nhầm là bình thường". Thế nhưng, chắc hẳn giờ đây trước khi ấn nút bắn tên lửa, binh sĩ Syria sẽ phải cân nhắc kĩ càng.
Hi vọng rằng vận may sẽ sớm tới một trong những loại tên lửa đối không bắn xa nhất thế giới này.
Mục kích tên lửa S-200 triển khai chiến đấu