Bệnh nhân Vi Thị Hiệp (40 tuổi, ở tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) gần đây hay bị đau bụng, xuất huyết âm đạo kèm sốt cao.
Bệnh nhân vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khám thì biết mình mang thai. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân chửa trên vết mổ cũ, thai được khoảng 7 tuần. Tuy nhiên, nhau thai đã ăn thủng vết mổ tử cung ra ngoài, máu chảy nhiều trong ổ bụng.
Chồng sản phụ Hiệp cho biết, "Do vợ chồng tôi cũng chủ quan không nghĩ là vợ mình lại mang thai lần nữa. Chúng tôi đã có một cháu trai năm nay 6 tuổi, cũng chưa có ý định sinh thêm. Hơn nữa chúng tôi cũng không lường trước được nguy cơ vì chỉ thấy vợ tôi có hiện tượng bị đau bụng và ra huyết âm đạo".
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mang thai 7 tuần và thai đang nằm trên vết mổ cũ.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, quyết định phẫu thuật cắt khối chửa vết mổ, cố gắng bảo tồn tử cung cho bệnh nhân. Trong khi phẫu thuật, kíp bác sĩ đã thực hiện cắt lọc, khâu bảo tồn tử cung kết hợp thắt động mạch cổ tử cung âm đạo. Đồng thời, đặt một Sonde dẫn lưu từ buồng tử cung ra ngoài rồi khâu phục hồi lại cơ tử cung. Ca mổ diễn ra trong vòng 1 giờ và thành công.
BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, người trực tiếp khám, phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ, những trường hợp chửa tại vết mổ cũ không nhiều, đây là ca thứ 4 tại bệnh viện các bác sỹ thực hiện phẫu thuật cắt khối chửa mà vẫn bảo tồn tử cung nhằm đảm bảo tâm, sinh lý cho người bệnh.
Sau mổ cấp cứu, sản phụ đã qua cơn nguy kịch
Bác sĩ Lê Công Tước cũng khuyến cáo rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi có thai cần đi siêu âm sớm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai ở đâu.
Nếu thai làm tổ ở vị trí ống cổ tử cung hoặc trên vết mổ cũ thì cần phải đình chỉ thai sớm để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. vì thai càng lớn sẽ tăng nguy cơ gây nứt vỡ vết mổ đe dọa tính mạng của sản phụ.