"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng

An Chi |

Chấp nhận khiếm khuyết này của con, người mẹ vẫn quyết định sinh ra bé.

Khi có con, điều mà các mẹ mong ước nhất chính là con bình an chào đời. Cho đến khi nghe tiếng khóc oe oe trên bàn sinh, bác sĩ thông báo em bé khỏe mạnh thì mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, cũng không ít bà mẹ chưa may mắn khi con không may mắc một bệnh nào đó ngay từ khi chưa chào đời.

Người mẹ trong câu chuyện dưới đây cũng vậy. Ngay từ khi con 12 tuần, chị đã được bác sĩ thông báo, con không có bàn tay trái. Điều này đồng nghĩa với việc, từ đây cho tới lúc con sinh ra, lớn lên sẽ phải sống chung với việc chỉ có một bàn tay. Điều này khiến người mẹ không khỏi hoang mang, lo sợ, không biết rồi cuộc sống sau này của con sẽ thế nào.

"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 1.
"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 2.

Em bé thiếu bàn tay trái nhưng con rất nhanh nhẹn, lanh lợi, kỹ năng dùng tay phải tốt

Sau nhiều đắn đo và xét nghiệm, chị quyết định giữ lại con. Đến nay, em bé đã được hơn 1 tuổi, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, làm mọi thứ nhanh thoăn thoắt dù tay không lành lặn. Nghe tâm sự của người mẹ về quá trình này mà không ai cầm được nước mắt.

"Hôm ấy vào 10/3 âm lịch, trời âm u, mưa lất phất, mình dậy ăn sáng, vui vẻ đi gặp con. Hôm nay bác sĩ siêu âm lâu lắm, cứ day đi day lại vào bụng, mình cũng lo nên hỏi: Hôm nay em bé sao hả bác. Bác ngập ngừng: Khả năng cao thai có chút vấn đề rồi. Chị không nhìn thấy bàn tay trái của bé, chị đã soi rất kĩ mà không thấy".

"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 3.
"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 4.

Tai mình ù đi, nước mắt tuôi rơi, bác sĩ trấn an, gọi thêm các bác sĩ khác, có lẽ nào do em bé nắm chặt tay nên nhìn không ra. Khi các bác sĩ đến đông đủ, soi đến tay trái của bé thì tất cả chỉ im lặng. Bác sĩ kết luận: "Thiểu sản bàn tay trái".

Sau khi thăm khám thêm một vài nơi, mình đành chấp nhận là con không có bàn tay trái. Sau khi nghe tư vấn, vợ chồng quyết định chọc ối xem con còn có vấn đề nào khác không. Dù đã làm Nipt nhưng vợ chồng mình còn làm thêm: Chọc ối xét nghiệp tế nào, công thức NST từ tế bào ối, xét nghiệm BOBS, chẩn đoán NST 13, 18, 21 và 9 đoạn nhỏ.

"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 5.
"Thai có vấn đề rồi, chị soi rất kĩ mà không thấy tay trái bé" - câu nói của bác sĩ khiến mẹ chết lặng- Ảnh 6.

Từ khi biết con bị, mình cứ nghĩ "bản thân ăn ở có tới nỗi nào mà sao con lại như vậy" rồi khóc. Sau khi làm mọi xét nghiệm, bác sĩ kết luận ngoài "Thiểu sản bàn tay trái" thì con hoàn toàn bình thường", người mẹ chia sẻ.

Dưới phần bình luận, rất nhiều người đồng cảm với bà mẹ trẻ, chia sẻ bản thân cũng từng chết lặng khi rơi vào hoàn cảnh ấy. Thế nhưng sau tất cả, mẹ vẫn cố gắng chiến đấu, là bờ vai mạnh mẽ để con tựa vào. Em bé trong câu chuyện trên cũng rất may mắn khi có bố mẹ yêu thương, ông bà đồng hành, chắc chắn lớn lên con sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc.

Tật thiếu ngón tay là gì?

Dị tật thiếu ngón tay là thuật ngữ y khoa chỉ một dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là hiện tượng một hoặc nhiều ngón tay bị dính, biến dạng, thiếu một phần hoặc cả ngón ngay từ khi sinh ra, thông thường trường hợp này chỉ xảy ra ở 1 bên tay của trẻ.

Thiếu 5 ngón hoặc thiếu ngón cái: Đây là dạng dị tật nghiêm trọng của thiếu ngón tay. Điều này xảy ra khi tất cả các ngón tay đều bị thiếu hoặc chỉ có 4 ngón phát triển bình thường và thiếu mỗi ngón cái. Dạng dị tật này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hoạt động và cầm nắm của trẻ.

Nguyên nhân tật thiếu ngón tay

1. Di truyền

Trong một vài trường hợp, tật thiếu ngón tay có thể là một phần của hội chứng di truyền Ba Lan (là một dạng bẩm sinh hiếm gặp). Điều này gây ra tình trạng cơ ngực kém phát triển và bất thường các chi ở một bên của cơ thể.

2. Bất thường gen

Đây là nguyên nhân hiếm gặp của hội chứng này.

3. Gián đoạn phát triển

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây dị tật thiếu ngón tay thường không đến từ di truyền hay bất thường gen như một số bệnh lý về tay khác. Thông thường hội chứng này gây ra bởi sự gián đoạn trong quá trình phát triển trong bụng mẹ.

Khi thai nhi bắt đầu hình thành các chi ở khoảng tuần thứ 7, bàn tay của trẻ có hình dạng giống những chiếc mái chèo. Trong quá trình phát triển, bàn tay sẽ được phân chia và hình thành các ngón tay. Tuy nhiên quá trình này có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi một tác nhân nào đó khiến bàn tay không nhận đủ lưu lượng máu cần thiết, gây nên tật thiếu ngón tay.

Tật thiếu ngón tay ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Theo các chuyên gia, dị tật thiếu ngón tay không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cơ thể. Tuy nhiên nó có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến trẻ như:

- Hình dạng: Trẻ bị hội chứng này có hình dạng bàn tay khác với người bình thường như ngón tay ngắn, các ngón dính liền, không có một hoặc nhiều ngón…

- Chức năng: Trong một số trường hợp, việc thiếu ngón tay có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cầm nắm và thực hiện các thao tác tay bình thường khác.

- Tâm lý: Trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý và cảm thấy tự ti với bạn bè, người xung quanh do sự khác biệt về tay của mình.

Điều trị thiếu ngón tay như thế nào?

Phương pháp điều trị thiếu ngón tay được quyết định dựa trên mức độ nghiêm trọng của hội chứng và độ tuổi của trẻ. Dưới đây là một số liệu pháp thường được ứng dụng cho điều trị hội chứng thiếu ngón tay.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp thường được chỉ định trong điều trị tật thiếu ngón tay. Tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ xác định phương pháp phẫu thuật phù hợp cho từng đối tượng. Tuy nhiên phẫu thuật chỉ nên thực hiện cho trẻ từ 1-2 tuổi trở lên. Mục đích chính của phẫu thuật là giúp trẻ có thể thực hiện được chức năng cầm nắm và sửa chữa hình dáng của tay.

2. Không phẫu thuật

Trong một số trường hợp, trẻ bị thiếu ngón tay chỉ cần đeo nẹp, gắn ngón giả hoặc công cụ hỗ trợ khác để củng cố các phần ngón tay bị thiếu, giúp cầm nắm và thực hiện chức năng cơ bản một cách tốt nhất có thể. Ngoài ra, trẻ sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để học cách sử dụng tay trong các hoạt động thường ngày như mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống, vui chơi…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại