Nỗ lực để chấm dứt cuộc chiến với Nga vào tháng 12
Mục tiêu của kế hoạch này là ngăn thương vong tiếp diễn. Trước đó, phía Ukraine tiết lộ số binh lính nước này thiệt mạng mỗi ngày trong cuộc chiến là 200 người. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cũng đang đứng trước sức ép làm sao để Mỹ và phương Tây duy trì sự chú ý cũng như sự ủng hộ cho Ukraine giữa bối cảnh các nước này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề trong nước nghiêm trọng như lạm phát tăng cao, giá năng lượng biến động mạnh và mối lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Sự thay đổi về bối cảnh chính trị ở các nước phương Tây cũng đang thách thức những tính toán của ông Zelensky.
Ông Boris Johnson, người cam kết ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine gần đây đã từ chức Thủ tướng Anh. Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng đang đối mặt với những cuộc công kích vì khủng hoảng nợ tại nước này.
Còn tại Mỹ, đang Cộng hòa được dự báo sẽ giành lợi thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, khi thu hút những nhóm cử tri tuy nhỏ nhưng ủng hộ mạnh mẽ các nghị sĩ đảng Cộng hòa có lập trường chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine.
Dưới các sức ép kể trên, Tổng thống Zelensky đang đặt ra khung thời gian 6 tháng để nhận được nhiều vũ khí hạng nặng nhất có thể và đẩy lùi các lực lượng của Nga.
"Chúng tôi có thể đạt được nhiều điều trước cuối năm nay và chúng tôi có thể chấm dứt cuộc chiến này", ông Zelensky nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN vào tuần trước.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu vì từng tấc đất trên lãnh thổ của mình. Nhưng rõ ràng chúng tôi không thể giành lại tất cả lãnh thổ", ông Zelensky bình luận.
Các lực lượng của Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công nhằm giành lại khu vực Kherson do Nga kiểm soát - một thành phố chiến lược ở phía Tây sông Dnipro. Nếu Kiev giành lại được khu vực này, điều đó sẽ tăng cường tuyến phòng thủ quanh cảng Odessa ở phía Nam và làm suy yếu hành lang trên đất liền của Nga nối từ Bán đảo Crimea.
Ở Tây Bắc, Ukraine tiếp tục phòng thủ Kharkiv, ngăn cản Moscow kiểm soát thành phố lớn thứ hai đất nước.
"Về cơ bản hiện Ukraine đã ngăn chặn được các cuộc tiến công của Nga", Kurt Volker, học giả tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu nhận định. Ông cũng cho rằng "Ukraine cần các gói hỗ trợ được cung cấp nhiều hơn và nhanh hơn bởi họ cần nhanh chóng đẩy lùi các lực lượng của Nga và không cho Moscow có thời gian để phục hồi", học giả này cho hay.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 2,2 tỷ USD hỗ trợ quân sự trong 3 tuần qua. Trong gói hỗ trợ này bao gồm 12 Hệ thống pháo phản lực HIMARS và 2 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, những vũ khí đang được ưu tiên sử dụng để tấn công vào các kho đạn dược và trung tâm chỉ huy của Nga.
Thách thức bủa vây Ukraine
Dù vậy, hiện chỉ có 4 hệ thống HIMARS đang vận hành ở Ukraine và quân đội nước này đã bày tỏ sự thất vọng trước nhịp độ vận chuyển vũ khí của phương Tây.
Tổng thống Zelensky trong một bài phát biểu trước truyền thông quốc tế đã nhắc lại yêu cầu với phương Tây rằng: Cung cấp vũ khí cho Kiev nhiều hơn và nhanh hơn, đồng thời tăng lệnh trừng phạt lên Moscow và đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
"Nga phải chính thức bị coi là một quốc gia tài trợ khủng bố", ông Zelensky bình luận.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã bác bỏ yêu cầu này và cho rằng những lệnh trừng phạt đang được áp dụng thậm chí đi xa hơn yêu cầu đưa Nga vào danh sách những quốc gia tài trợ khủng bố.
Các chuyên gia cũng cho rằng động thái này "lợi bất cập hại". Một mối lo ngại là một số bên có thể kiện chính phủ Nga sau khi Moscow bị chỉ định là quốc gia tài trợ khủng bố, đồng thời đóng băng tài sản của Nga. Điều này sẽ khiến Mỹ và đồng minh không thể sử dụng những tài sản trên để làm quân bài mặc cả trên bàn đàm phán với Nga.
Melinda Haring, Phó Giám đốc Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, khó có khả năng Nga hay Ukraine "sẵn sàng đàm phán vào Giáng sinh", đồng thời đánh giá cả hai nước đều đang đối mặt với nhiều thách thức.
"Theo tôi, câu hỏi là liệu bên nào sẽ cạn kiệt nguồn lực nhanh hơn? Và chúng ta thực sự không biết câu trả lời cho câu hỏi này. Đây thực sự là một cuộc chiến tiêu hao và một cuộc đua tiếp tế vào thời điểm này".
Ukraine không chỉ chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường mà còn phải nỗ lực duy trì ngân sách vận hành đất nước. Chuyên gia Haring nhận định, ước tính, Ukraine cần 5 - 6 tỷ USD hàng tháng để trả lương cho chính phủ, duy trì hệ thống ngân hàng, bệnh viện, tàu xe, cũng như những thách thức khác, trong đó có việc vực dậy nền kinh tế./.