"Tết mà" và những cái tặc lưỡi chết người

Bảo Nam |

Tết mà, tặc lưỡi uống thêm chén rượu, tặc lưỡi sắm thêm đôi giày hàng hiệu. Rất nhiều cái tặc lưỡi chỉ vì Tết (là) nhất mà.

Tôi có cậu em, làm nhà nước lương đủ sống. Tết đến vì sĩ diện với người yêu, cắn răng bỏ gần 4 triệu mua đôi giày, nghe đồn là hàng nhập Italia. Thấy đôi giày vốn không phải là phong cách thường ngày của cu cậu tôi mới hỏi: Giày này thì đi được mấy lần mà mua đắt thế?

"Tết mà", cậu tặc lưỡi. Chỉ đi cái Tết mà chi cả tháng lương cho đôi giày sao?

Bà cô tôi thấy nhà hàng xóm mua được chậu lan hồ điệp tuyệt đẹp, cũng hăng hái chạy ra chợ hoa Quảng Bá. Chậu lan giá cả chục triệu, cô tôi đắn đo cả tiếng đồng hồ rốt cuộc cũng tặc lưỡi: Tết mà.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi không phải dân bia rượu giỏi. Tết nhất tất niên, tiệc tùng liên miên, bữa nào anh cũng uống hết mình rồi say khướt, về nhà đau đầu mấy ngày trời. "Sao anh phải khổ thế, không uống được thì uống ít thôi", tôi hỏi.

"Tết mà chú em, cả năm mới có cái Tết", câu trả lời có đính kèm thần chú "Tết mà" thứ n+1 tôi nghe trong vài ngày gần đây.

Tết mà và những cái tặc lưỡi chết người - Ảnh 1.

"Tết mà" mua sắm nhiều một chút đâu có gì là sai! Ảnh minh hoạ

Tết mà, đúng là cả năm mới có cái Tết, quả là lý do tuyệt vời để người ta đi quá những giới hạn mà bản thân có đủ lý trí để hiểu không nên đi quá.

Đôi giày đắt tiền chỉ đi 3 ngày trong năm, năm sau ra mốt mới chẳng lẽ lại vứt đi? Cố cắn răng uống cho vừa lòng bạn bè để rồi nằm bệt cả ngày, vợ con phải phục vụ, công việc thì đình trệ, có đáng hay không?

Tết quả là một dịp đặc biệt trong năm, nhưng chỉ vì vài ngày Tết mà cố lên gân cho bằng bạn bằng bè có đáng hay không?

Khi được hỏi về Tết, ai cũng lý thuyết đầy mình: Tết là dịp gia đình sum vầy, cùng nhau gói bánh trưng, cùng nhau ăn bữa cơm đầm ấm. Những người này bài xích dữ dội chuyện bỏ Tết, chuyện các bạn trẻ dùng mấy ngày Tết để đi du lịch.

Nếu mục đích của cái Tết thật sự là như vậy thì cố sắm sửa quá khả năng tài chính của bản thân làm gì? Ở đây tôi nhấn mạnh: Quá khả năng tài chính của bản thân, còn dĩ nhiên tôi không dạy nhà giàu tiêu tiền.

Tết mà và những cái tặc lưỡi chết người - Ảnh 2.

Có nên chăng tiêu tiền vượt quá khả năng tài chính bản thân? Ảnh minh hoạ

Năm ngoái tôi vãn cảnh chùa vào dịp Tết, có sư thầy tâm sự: Nhiều nhà vợ chồng cãi nhau, không thèm nhìn mặt nhau, thì có mua cành đào chục triệu, chậu lan vài chục triệu, đi đôi giày hàng hiệu cũng chẳng có Tết.

Trong nhà vợ chồng đồng lòng, yên ấm hạnh phúc thì ngày nào cũng có thể coi là Tết.

Nhưng Tết mà, nhiều người vì sĩ diện nên cố sắm sửa cho thật hoành tráng để còn mời bạn bè tới thăm. Được khen mấy câu thì sướng âm ỉ, rồi ra Tết lại kéo cày trả nợ. Thực tế là kinh tế không đủ để chơi sang, nhưng "Tết mà"…

Còn chuyện nhậu nhẹt dịp Tết mới đáng sợ. 10 người uống đến mềm người thì có tới một nửa uống vì sĩ diện, sợ bạn bè chê bai mà cố uống cho đỡ mất mặt. Tan trận nhậu thì người mệt rũ, lầm bần nguyền rủa chứ chẳng vui vẻ gì.

Mất tiền còn đỡ, chứ rượu bia vào người mà sức không tải được thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng chứ không đơn thuần chỉ là ngủ một giấc rồi tỉnh. Nhưng vì sĩ diện, vì Tết, người ta bất chấp hậu quả.

Tết mà và những cái tặc lưỡi chết người - Ảnh 3.

Những cuộc nhậu nhẹt liên miên cũng chỉ vì "Tết mà". Ảnh minh hoạ

Sĩ diện là căn bệnh chung của một bộ phận người Việt và cái "Tết mà" kích thích sự sĩ diện ấy lên mức cực điểm.

Có những sự sĩ diện khôi hài như việc người ta ngại ngần chờ đợi được trả lại tiền lẻ, ngại ngần chuyện bỏ thức ăn thừa vào hộp, ngại ngần gắp miếng cuối cùng trên đĩa, ngại nếu chỉ mua một cành đào nhỏ cắm trên bàn.

Có rất nhiều thứ mà lý trí chúng ta xác định là đúng, nhưng tính sĩ diện lại bẻ nó sang một hướng khác, đi ngược hẳn với lý trí. Âu cũng chỉ vì Tết mà…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại