Mỹ chế tạo tên lửa mới cực kỳ lợi hại: Tiêu diệt gọn tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông

Tú Anh |

Ngoài Tomahawk, mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với Hải quân Trung Quốc sẽ đến từ loại tên lửa chống hạm tầm xa mới hiện đang được đưa vào biên chế cho Hải quân và Không quân Mỹ.

Theo Reuters, để đối phó với sức mạnh quân sự ngày một gia tăng của Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tích cực đẩy mạnh kế hoạch triển khai các tên lửa hành trình tấn công tầm xa phóng từ mặt đất tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, Lầu Năm Góc đang có ý định trang bị cho lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ các phiên bản cải tiến mới của tên lửa hành trình Tomahawk hiện đang được lắp đặt trên các tàu chiến của nước này.

Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng đang tiến hành một chương trình cải cách sâu rộng nhất trong vòng 20 năm qua để tăng cường nguồn lực đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Một thay đổi quan trọng về mặt chiến thuật là Thủy Quân lục chiến sẽ hiệp đồng tác chiến cùng với Hải quân Mỹ trong các chiến dịch tấn công tàu đối phương. Khi đó, các đơn vị nhỏ gọn, cơ động vũ trang tên lửa chống hạm của Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ trở thành những “sát thủ” tiêu diệt tàu chiến kẻ địch.

Tháng 3/2020, chia sẻ trên tờ Wall Street Journal, tướng David Berger - Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết, 10 năm tới đây lực lượng này sẽ chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng cho kịch bản chiến đấu trên từng điểm đảo ở Tây Thái Bình Dương.

Tướng Berger cho biết, khi đó nếu xung đột xảy ra thì Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ tấn công các tàu chiến Hải quân Trung Quốc bằng tên lửa chống hạm. Các đơn vị chiến đấu của Mỹ sẽ liên tục di chuyển, cứ mỗi 24 - 72 giờ lại cơ động tới các điểm đảo khác nhau để tránh bị phản công.

“Tên lửa hành trình Tomahawk là một trong các công cụ cho phép chúng tôi làm điều đó”, tướng Berger chia sẻ.

Mỹ chế tạo tên lửa mới cực kỳ lợi hại: Tiêu diệt gọn tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 1.

Tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu tuần dương USS Cape St. George ở phía Đông Địa Trung Hải năm 2003. Ảnh: U.S. Navy

Tomahawk nổi danh từ thời Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và đã được triển khai trên các tàu chiến Hải quân Mỹ để tấn công các mục tiêu trên bộ trong những thập kỷ gần đây. Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình này đến năm 2022 với quyết tâm đưa nó vào hoạt động trong năm kế tiếp.

Tuy nhiên, mối đe dọa trực tiếp, lớn nhất đối với Quân đội Trung Quốc (PLA) lại đến từ loại tên lửa chống hạm tầm xa mới hiện đang được đưa vào biên chế cho Hải quân và Không quân Mỹ.

Lầu Năm Góc đang rất tích cực tăng cường hỏa lực cho các phi đội máy bay chiến đấu triển khai ở châu Á. Các máy bay tiêm kích Super Hornet của Hải quân và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ là những phương tiện đầu tiên tiếp nhận tên lửa chống hạm tầm xa mới do Lockheed Martin chế tạo.

Loại tên lửa mới này có thể mang theo đầu đạn nặng 450kg, có khả năng tấn công “bán tự động” và tự điều chỉnh hành trình bay. Nhiều chi tiết liên quan tới tầm bắn của dòng tên lửa hành trình tàng hình này vẫn còn được giữ bí mật nhưng một số chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây ước tính nó có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 800km.

Theo kế hoạch dự kiến, Không quân và Hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận khoảng 400 quả tên lửa dạng này vào năm 2025.

“Người Mỹ đang quay trở lại một cách rất mạnh mẽ”, Ross Babbage, cựu quan chức quốc phòng cấp cao của chính phủ Australia và hiện là thành viên của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách có trụ sở tại Washington nhận xét. “Đến năm 2024 hoặc 2025, PLA sẽ phải đối diện với một rủi ro nghiêm trọng khi những phát triển quân sự của họ trở nên lỗi thời”.

Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria ngày 14/4/2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại