LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
Trong số này, mời quý độc giả tìm hiểu trận đánh xuất sắc, tiêu diệt máy bay AC-130 Mỹ ở Tây Trường Sơn của bộ đội tên lửa qua hồi ức của Đại tá Nguyễn Tiến Thu, Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng không.
----
TÊN LỬA SANG TÂY TRƯỜNG SƠN DIỆT AC-130: CÁC ÔNG Ở ĐÂU ĐẾN MÀ CHỦ QUAN, LIỀU MẠNG THẾ?
Đưa tên lửa vượt sang Tây Trường Sơn
Mùa khô năm 1971, theo quyết định của Bộ Tổng tư lệnh, các lực lượng của Đoàn 559 liên tiếp mở các chiến dịch vận chuyển lớn chi viện cho chiến trường miền Nam chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên ba hướng chính: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Theo lệnh của Quân chủng PK-KQ, Tiểu đoàn tên lửa 67, Trung đoàn 275 đang bảo vệ cửa khẩu đường 12, cơ động gấp sang tây Trường Sơn đánh máy bay AC-130.
Ngày 19-12-1971, Tiểu đoàn 67 được Tiểu đoàn pháo cao xạ 119 bảo vệ vượt cửa khẩu đèo Mụ Giạ, qua trọng điểm 050, Siềng Phan - Pha-nốp xuống Lùm Bùm.
Dọc đường hành quân địch đánh phá ác liệt, Tiểu đoàn cao xạ 119 tích cực bảo vệ tên lửa đã bắn rơi 1 F4 ở Pắc-pha-năng.
Tại Lùm Bùm, đơn vị vừa nghiên cứu nắm quy luật hoạt động của địch chưa kịp triển khai chiến đấu, lại có lệnh hành quân ngay xuống đường 9, khu vực đường Máy Húc.
Đường hành quân không ai biết, thời gian lại gấp chúng tôi quyết định lấy một xe Gát-66 đi ngay ban ngày để trinh sát đường xá và tìm nơi trú quân.
Mới đi được một quãng đường đã bị ba-rie của binh trạm giữ lại và mắng cho một trận: "Các ông ở đâu đến mà chủ quan, liều mạng thế".
Binh trạm chỉ cho đi đêm và lấn sáng, lấn chiều.
Cuối cùng đơn vi cũng khắc phục khó khăn, nguy hiểm vượt qua các trọng điểm và đèo Văng Mu đến được nơi trú quân ở đường Máy Húc.
Khu vực này có nhiều đồi cây lúp súp, nhiều vạt rừng xanh tốt, kín đáo có thể cất giấu khí tài, bố trí trận địa tên lửa phù hợp, đánh được AC-130 bay dọc theo tuyến vận chuyển từ bắc xuống nam đường 9.
Suốt chặng đường hành quân dọc theo Trường Sơn từ đèo Mụ Giạ xuống sát đường 9, chiều dài gần 200km, Tiểu đoàn 67 bị đánh 21 lần có 17 lần trúng đội hình, một số cán bộ chiến sĩ thương vong, xe cộ, khí tài bị đánh hỏng nhiều:
"Hỏng khối hoàn mã hệ phát lệnh xe tính toán, 1 cần cẩu, 3 bệ, 1 xe chở đạn TZM, cháy 1 xe téc chở xăng, mang đi 8 quả tên lửa thi bị cháy 2, hỏng 3. Chiếc xe Gát chở hàng Tết cho trung đoàn sang cho bộ đội bị AC-130 bắn cháy nên anh em Tiểu đoàn 67 và Tiểu đoàn cao xạ 119 năm đó không có Tết".
Máy bay AC-130 của Mỹ. Ảnh minh họa.
Trong khi chờ đợi cán bộ kỹ thuật của trung đoàn đến sửa chữa khí tài và bổ sung thêm tên lửa, chúng tôi tổ chức đi bộ khảo sát địa hình, đường xá dọc theo đường 128 cắt đường 9, vùng Na-bo, Sê-pôn, Thà- khống, Bản Đông, dọc đường xuống Mường Noòng, trên đường la liệt chỗ nào cũng thấỵ xe cộ bị bắn cháy.
Tiếp xúc với một số cán bộ binh trạm khu vực đường 9, các đồng chí bức xúc nói: "Dạo này AC-130 hoạt động dữ quá, xe cộ bị bắn cháy nhiều, binh trạm nào không có đường "lấn" thì không thể hoàn thành kế hoạch. Cao xạ 37mm của binh trạm không bắn tới AC- 130. Chúng tôi vô kế khả thi. Mong Bộ nhanh chóng đưa tên lửa sang".
Theo tư liệu của Đoàn 559: Máy bay AC-130 được trang bị pháo 40mm và 20mm, có máy quan sát hồng ngoại, khuyếch đại ánh sáng mờ nên phát hiện rõ mục tiêu di động trong đêm tối và điều khiển pháo bắn chính xác.
Thời gian hoạt động trong đêm của AC-130 khoảng 2-3 lần, mỗi lần kéo dài từ 2 - 3 giờ bay, túc trực trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt ở Nam Bắc đường 9, không một đoàn xe nào đi trên đường trống trải mà không bị phát hiện và tấn công.
Chúng bay ở độ cao 3 - 4km, chủ yếu dùng pháo 40mm bắn xuống sát thương trên xe cộ. Các đội xe khi gặp máy bay AC-130, dù đã tắt đèn để chạy vẫn bị chúng phát hiện và bắn trúng. Trong số xe bị bắn hỏng có 60 đến 70% do AC-130 gây ra. Số lái xe thương vong từ 10 đến 20%.
Bộ đội vận tải hành quân trên đường Trường Sơn.
Át chủ bài AC-130 Mỹ đền tội
Tiểu đoàn 67 từ khi bố trí ở trận địa Máy Húc đã đánh hai trận đúng đối tượng AC-130 được Bộ tư lệnh 559 công nhận bắn rơi một chiếc nhưng không rơi tại chỗ.
Đánh máy bay AC-130 không dễ. Ban ngày OV-10 lượn lờ nhòm ngó, ngụy trang sơ hở một chút là bị máy bay cường kích đến ném bom. Ban đêm nó được máy bay tiêm kích đi hộ tống, lùng sục tìm rađa tên lửa phát sóng để phóng sơ-rai (PV - Tên lửa cao tốc tự dẫn diệt radar Shrike).
Nhiều tiểu đoàn tên lửa trước đây đã sang Tây Trường Sơn và các tiểu đoàn tên lửa 68, 69 của Trung đoàn 275 cũng đã bị sơ-rai bắn hỏng khí tài, nên cán bộ và kíp chiến đấu Tiểu đoàn 67 cũng rất ngại sơ-rai, cả hai trận đánh AC-130 đều dùng phương pháp bắn đuổi.
Đồng chí Thân, trung đoàn trưởng Trung đoàn 275 rất trăn trở về hai trận bắn đuổi của Tiểu đoàn 67, đã cùng một số cán bộ xạ kích giỏi của Quân chủng, sư đoàn, nhà trường trực tiếp xuống đơn vị gặp cán bộ tiểu đoàn và kíp trắc thủ.
Tại đây, các đồng chí đã trao đổi, bàn bạc dân chủ, thống nhất cách đánh trong trận tiếp theo, hướng dẫn cho đơn vị sử dụng phương pháp điều khiển, chế độ ngòi nổ phù hợp với đặc điểm đánh đối tượng AC-130 có tốc độ chậm.
Đồng thời cũng nhắc anh em về truyền thống đánh nhanh, đánh có chuẩn bị của đơn vị, cảnh giác đề phòng địch phóng "sơ rai", đưa mọi công tác chuẩn bị trực tiếp lên giai đoạn chuẩn bị trước, tận dụng các phần tử của đài radar nhìn vòng, rút ngắn thời gian phát sóng của đài điều khiển, phóng nhanh khi phát hiện được mục tiêu...
Tên lửa SAM-2 vượt trường Sơn.
3 giờ sáng ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn 67 chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu 4 bệ, 4 đạn, 3 rãnh, khí tài tốt.
Kíp chiến đấu số 1 do đồng chí Lành - Tiểu đoàn phó chỉ huy, đồng chí Bá - Sĩ quan điều khiển, các trắc thủ: Chàng - cự ly, Bằng - phương vị, Dương - góc tà, phát hiện một AC-130 từ phía Nam đường 9 bay lên.
Theo phương án đã chuẩn bị, tiểu đoàn phóng hai quả tên lửa, dùng phương pháp bắn đón, đạn có điều khiển tốt, nổ trùm lên mục tiêu. Máy bay AC-130 rơi tại chỗ, cách trận địa khoảng l0 km. Đồng chí Lành đến tận nơi kiểm tra thấy có 13 nhân viên phi hành đoàn đã bị chết.
Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên gửi ngay điện xuống biểu dương, tặng thưởng Tiểu đoàn 67 một chiếc đài bán dẫn National, một xe quà lấy ở Binh trạm 41 và đề nghị lên trên tặng thưởng cho đơn vị Huân chương Quân công hạng Nhì.
Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên Lê Trọng Tấn, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Sư đoàn 377 và nhiều đơn vị khác đã gửi điện chúc mừng đến Trung đoàn 275.
Lần đầu tiên bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130 ở Tây Trường Sơn, đối thủ nguy hiểm nhất của tuyến chi viện chiến lược.
Choáng váng trước sự uy hiếp của tên lửa, máy bay AC-130 phải ngừng hoạt động trên một khu vực rộng lớn của cửa khẩu vào đến Bạc trong 15 ngày, tạo điều kiện cho đội hình xe tiến công cả ngày và đêm trên cả đường "kín" và đường "hở". Hiệu suất vận chuyển tăng từ 3 đến 4 lần so với trước.
Con "Át chủ bài" AC-130 bị đánh gục, bộ đội Trường Sơn đẩy cuộc "Tổng công kích" lên một cao trào mới. Hơn 40 tiểu đoàn xe tiến công dồn dập cả ngày và đêm. Nhiều đội hình được lệnh chạy thẳng từ đầu tuyến đến cuối tuyến.
Máy bay AC-130.
Chiến công của Tiểu đoàn 67 bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130 là rất xuất sắc. Đây cũng là chiến công chung của tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 275 đã đổ máu, mồ hôi, công sức, vượt qua bao khó khăn nguy hiểm để kiểm tra, sửa chữa khí tài, tiếp tế đạn phục vụ cho tiểu đoàn đánh thắng. Nhiều anh em đã anh dũng hy sinh.
Chiến công của Tiểu đoàn 67 cũng góp phần quan trọng cùng các lực lượng vận chuyển của Đoàn 559 tăng cường, chi viện hiệu quả cho chiến trường miền Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, thắng lớn trên các hướng chiến dịch Trị Thiên - Bắc Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.
(Trích hồi ức của Đại tá Nguyễn Tiến Thu, Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng không trong cuốn Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh, NXB QĐND, 2008)