Trung Quốc và Ấn Độ đều là những khách hàng lâu năm của nên công nghiệp quốc phòng Nga và đã mua về một số lượng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400.
S-400 cũng được triển khai quanh căn cứ Hmeymim, gần thành phố Latakia (Syria) để bảo vệ các loại khí tài quân sự của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ lực lượng của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Một quả tên lửa phòng không của hệ thống S-400 do Nga chế tạo
Về lý thuyết, S-400 được thiết kế để tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và các loại tên lửa từ khoảng cách 400 km. Nó cũng được lắp đặt một loại radar có thể phát hiện các mục tiêu ở cách đó tối đa 600 km.
Kể từ khi hệ thống này được bố trí ở các vùng lãnh thổ ở Syria, hoạt động của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây để hỗ trợ các lực lượng vũ trang đối lập đã ít hơn trước đây.
Sự hiện diện của S-400 ở Syria có thể đã tác động đến chiến lược tấn công chính quyền Assad của Mỹ.
Thay vì dùng máy bay chiến đấu, Mỹ đã triển khai hai tàu chiến ra ngoài khơi Địa Trung Hải và phóng hàng loạt tên lửa hành trình xuống căn cứ không quân Shayrat của quân đội Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học ở miền Bắc Syria vài ngày trước đó. Rất có thể đây là động thái nhằm giảm thiểu tổn thất mà S-400 có thể gây ra.
Điều này đồng nghĩa với việc Lầu Năm Góc công nhận sự hiệu quả của S-400 đối với các máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm EA-18 Growler, những loại vũ khí mà Mỹ đang có có khả năng làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga tại Syria.
Như vậy, các tướng lĩnh Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ hoan nghênh trước những gì xảy ra, bởi nó có nghĩa là họ đã đúng khi đầu tư vào S-400.
Mặt khác, cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk cũng cho thấy chúng có thể vượt qua hệ thống phòng không của Nga tại Syria.
Với hệ thống radar của mình, S-400 có thể đã phát hiện hàng loạt tên lửa Tomahawk đang bay đến mục tiêu, song chúng hoàn toàn không có phản ứng nào. Hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân vì sao Nga không đánh chặn các tên lửa Mỹ.
Nga khẳng định họ cố tình không phóng tên lửa do lo ngại động thái này có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở Syria.
Tuy nhiên sau cuộc tấn công của Mỹ, Moscow tuyên bố họ có ý định củng cố hệ thống phòng không tại Syria, và đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy lưới lửa phòng vệ của Nga tại Syria vẫn còn những khiếm khuyết nhất định khi chúng không thể ngăn chặn các tên lửa tầm thấp có tiết diện radar nhỏ như Tomahawk.
Về cơ bản, tất cả các hệ thống phòng không mới ra đời thông thường không thực sự phát huy khả năng đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc, và S-400 cũng không ngoại lệ.
Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ phải căn nhắc kỹ lưỡng hơn nữa khi hệ thống phòng không của Nga hiện nay có thể đang có những điểm yếu cần phải sớm khắc phục.