Tên lửa mới của Nga: Kẻ thù vô phương chống đỡ, mục tiêu chưa kịp phản ứng đã tan xác!

Anh Tú |

Tại thời điểm hiện nay, không một kẻ thù tiềm năng nào có thể sở hữu bất kỳ phương tiện nào đủ khả năng vô hiệu hóa tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga.

Tên lửa Zircon - “Sát thủ” diệt tàu sân bay?

Nga dự kiến sẽ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Zircon thêm ba lần nữa vào cuối năm nay. Phóng đi từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga, Zircon được đáng giá có khả năng tấn công cả các mục tiêu như tàu sân bay.

Cuộc thử nghiệm đầu tiên trong số ba đợt kiểm tra tiếp theo dự kiến ​​sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2020.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon được coi là một trong những vũ khí hứa hẹn nhất cho nhiệm vụ đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay. Không có gì phải ngạc nhiên vì các tàu sân bay hiện đại luôn là sức mạnh tấn công lớn nhất của bất kỳ lực lượng hải quân nào sở hữu chúng và chính các tàu sân bay sẽ đóng vai trò thay đổi cán cân chiến sự.

Trong các cuộc xung đột cục bộ từ nhiều thập kỷ qua, tàu sân bay đã chứng tỏ là một phương tiện chiến tranh rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc chế tạo và bảo trì chúng luôn rất tốn kém, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có giá lên tới 13-14 tỷ USD. Hiện tại, trên thế giới chỉ có 9 quốc gia có thể trang bị những con tàu như thế này.

Tên lửa mới của Nga: Kẻ thù vô phương chống đỡ, mục tiêu chưa kịp phản ứng đã tan xác! - Ảnh 1.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov ngày 7/10/2020. Ảnh: Reuters

Ngay từ sau Thế chiến thứ Hai, Hải quân Nga đã chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của kẻ thù tiềm tàng, vì những nhóm tác chiến này là mối đe dọa to lớn đối với cơ sở hạ tầng quân sự cũng như dân sự trọng yếu ở các vùng ven biển.

Theo truyền thống của Nga, các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và không quân hải quân được giao nhiệm vụ vô hiệu hóa mối đe dọa tiềm tàng thuộc dạng này.

Theo đó, các tàu ngầm Đề án 949A trang bị tên lửa chống hạm P-700 Granit và máy bay ném bom tầm xa, chẳng hạn như Tu-22M3 mang tên lửa chống hạm X-22 (hoặc Tu-22M3M mang tên lửa X-32) sẽ lãnh sứ mệnh tấn công tàu sân bay của kẻ thù trước tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng do tầm tấn công của các vũ khí mà Quân đội Nga hiện đang có là chưa đủ nên các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay sẽ không thể tiếp cận ở phạm vi đủ gần để phóng tên lửa chống hạm.

Ngay cả khi những phương tiện trên có cơ hội tấn công tàu sân bay thì nhóm tàu hộ tống đối phương cũng sẽ dễ dàng bắn hạ tất cả các tên lửa X-22/X-32 và P-700 đang bay tới.

Thế nhưng, sau khi tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon đi vào hoạt động và bắt đầu được sản xuất hàng loạt để trang bị cho các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Nga thì vấn đề này sẽ được giải quyết cơ bản.

Tên lửa mới của Nga: Kẻ thù vô phương chống đỡ, mục tiêu chưa kịp phản ứng đã tan xác! - Ảnh 2.

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov - Phương tiện mang phóng tên lửa Zircon. Ảnh: Sputnik

Đòn tấn công từ Zircon: Kẻ thù vô phương chống đỡ!

Zircon được cho là có tầm bắn lên tới 1.000 km. Chỉ riêng yếu tố này đã hạn chế đáng kể khả năng tổ chức phòng thủ tên lửa/phòng không hiệu quả của kẻ thù cho các nhóm tác chiến hải quân của họ.

Một lợi thế lớn khác nữa với Hải quân Nga là tốc độ bay cực nhanh của tên lửa Zircon khi nó có thể vượt qua Mach 8 (tức gấp 8 lần vận tốc âm thanh), cùng với đó là tiết diện phản xạ radar cực nhỏ của nó.

Hiện tại, các tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga và tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa SM-6 Block I/IA Dual I, là những tên lửa dẫn đường hải đối không tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ. Chúng được thiết kế để vô hiệu hóa các máy bay có người lái và không người lái, tên lửa hành trình siêu thanh tầm thấp cũng như các đầu đạn hồi quyển của tên lửa đạn đạo ở pha cuối.

Tuy nhiên, Raytheon, hãng sản xuất dòng tên lửa này lại không đề cập gì tới khả năng tiêu diệt các mục tiêu như tên lửa hành trình siêu vượt âm, đặc biệt là những tên lửa có thể thay đổi quỹ đạo trong quá trình bay, là khả năng mà Zircon có thể thực hiện.

Hơn nữa, với tốc độ hành trình rất nhanh của loại tên lửa chống hạm tối tân này (từ Mach 8 trở lên) thì các hệ thống tên lửa hải đối không hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ thù tiềm ẩn sẽ khó có thể phản ứng kịp vì biên độ thời gian phản ứng (tức khoảng cách từ thời điểm phát hiện ra mối đe dọa tới lúc phóng tên lửa đánh chặn) gần như bằng không.

Nói cách khác, đối phương sẽ không có đủ thời gian để đối phó vì tàu của họ đã “tan xác” trước khi kịp phát hiện những tên lửa tấn công như Zircon.

Đối với Hải quân Nga, việc trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh trên biển vì loại vũ khí mới này, về cơ bản tương đương với vũ khí hạt nhân chiến thuật, khi nói tới hiệu suất chiến đấu của chúng.

Tại thời điểm hiện nay, không kẻ thù tiềm năng nào có thể sở hữu bất kỳ phương tiện nào đủ khả năng vô hiệu hóa hiệu quả tên lửa siêu vượt âm của Nga.

Video Nga phóng thử tên lửa Zircon từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại