DH-10 (CJ-10) là bước tiến lớn của Trung Quốc trong công nghệ tên lửa hành trình. Tên lửa này có các phiên bản phóng từ mặt đất, tàu chiến và trên các máy bay ném bom chiến lược.
Không rõ việc nghiên cứu DH-10 tiến hành từ năm nào, nhưng nguồn tin cho biết là vào năm 2004, Trung Quốc đã tiến hành bắn thử nghiệm lần cuối cùng tại căn cứ phía Tây Bắc. Sau đó bắt đầu sản xuất với số lượng hạn chế, tới năm 2008 chính thức trang bị cho quân đội Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự quốc tế suy đoán rằng, DH-10 có chiều dài 8,3m, đường kính thân 0,68 m, nặng 2,5 tấn, lắp phần chiến đấu nặng 300-500kg (đầu đạn nổ thường HE hoặc đầu đạn hạt nhân). Tên lửa trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho tốc độ tối đa Mach 0,75, độ cao hành trình chỉ từ 50-150m, tầm bắn xa đến 1.500-2.500km, có nguồn cho là tầm 4.000km.
Ngay cả hình dáng bên ngoài của DH-10 cũng có nét tương đồng với Tomahawk. Độ chính xác của DH-10 được cho là vào khoảng dưới 10 mét. Nếu xung đột nổ ra, DH-10 sẽ là vũ khí chiến thuật mang đầu đạn thông thường chính được Trung Quốc sử dụng.
DH-10 (CJ-10) là bước tiến lớn của Trung Quốc trong công nghệ tên lửa hành trình
Tên lửa này có thể được dẫn đường bằng nhiều cách khác nhau bao gồm định vị vệ tinh, định vị quán tính, định vị mặt đất, điều khiến việc đánh chặn và phá sóng tên lửa trở nên vô cùng khó khăn. DH-10 cũng có thể được điều chỉnh thông tin khi đang bay và tránh được các radar cảnh báo sớm do nó bay ở độ cao thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, loại tên lửa này cũng rất tiết kiệm nhiên liệu và nhờ đó, giảm được trọng lượng cũng như giá thành hoạt động.
Năm 2014, Trung Quốc được cho là sở hữu 55 bệ phóng từ mặt đất, tổng cộng 500 quả tên lửa DH-10.
Theo các chuyên gia quân sự, để có thể tấn công chính xác các mục tiêu cách xa hàng ngàn kilomet, tên lửa đòi hỏi phải có hệ thống dẫn đường rất tinh vi và kết hợp nhiều cách dẫn đường khác nhau nhằm tăng độ chính xác. Tên lửa DH-10 được cho là sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp giữa dẫn đường quán tính (INS), dẫn đường men theo địa hình TERCOM và GPS.
Tuy nhiên, để tên lửa có thể hoạt động với hệ thống dẫn đường men theo địa hình TERCOM thì bản đồ khu vực mục tiêu cần được lập sẵn và đưa vào bộ nhớ của tên lửa. Khi đó, radar đo độ cao của tên lửa sẽ ghi nhận các thông số về khu vực đang bay và chuyển vào một bộ nhớ nhỏ trong tên lửa để thực hiện các phép tính.
Các thông số có được sẽ được tổ chức thành một dải các phép đo tương tự như một bản đồ, bản đồ tạm này sẽ được so sánh với bản đồ đã được lưu trữ từ trước để xác đinh vị trí và hướng, những thông tin này sẽ được sử dụng để điều chỉnh đường bay của tên lửa.
Trong khi đó, Trung Quốc rất khó để lập được bản đồ địa hình đối với khu vực có địa lý phức tạp như Đông Nam Á. Trung Quốc không thể sử dụng máy bay do thám xâm nhập sâu vào bên trong không phận các quốc gia có chủ quyền để lập bản đồ mặt đất.
Hơn nữa, theo các báo cáo không chính thức, hệ thống dẫn đường chủ đạo cho tên lửa DH-10 là GPS. Tuy nhiên, việc sử dụng tín hiệu GPS dân sự để dẫn đường cho một tên lửa quân sự chắc chắn không phải là lựa chọn khả thi, vì tín hiệu GPS dân sự rất dễ bị gây nhiễu.