Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã chứng tỏ cho thế giới thấy mức độ tinh vi về công nghệ tên lửa mà họ đang sở hữu qua 2 sự vụ đình đám: 1) tấn công 2 căn cứ quân sự ở Iraq có các binh lính Mỹ đồn trú (8/1/2020); và 2) tập kích các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia (14/9/2019).
Tấn công tên lửa đạn đạo vào căn cứ Mỹ ở Iraq
Ngày 8/1/2020, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng khoảng từ 15 - 22 quả tên lửa đạn đạo (sự khác biệt về con số là do tuyên bố của mỗi bên) vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Một số tên lửa rơi xuống cách mục tiêu vài km, tuy nhiên phần lớn đã đánh trúng các địa điểm dự kiến và phá hủy nhiều tòa nhà tại đây. May mắn cho binh sĩ Mỹ là họ đã không phải gánh chịu thương vong nào do đã được cảnh báo trước và sơ tán xuống các hầm trú ẩn.
Mặc dù một số tên lửa không bắn trúng mục tiêu cho thấy bản thân chúng vẫn còn tồn tại những vấn đề cần xem xét nhưng không thể phủ nhận số tên lửa phóng trúng đích là minh chứng rõ ràng về độ chính xác ngày càng gia tăng trong các hệ thống dẫn đường của Iran.
Điều quan trọng hơn cả là vụ việc đã chứng tỏ Iran hoàn toàn có khả năng tấn công các mục tiêu của Mỹ ở cách xa hàng trăm km. Đây mới chính là điều đáng lo ngại nếu xét tới ưu thế vượt trội về sức mạnh quân sự và công nghệ quốc phòng của Mỹ.
Hình ảnh ghi nhận từ vụ Iran tấn công 2 căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đóng quân sáng ngày 8/1. Ảnh: Twitter
Tên lửa hành trình tập kích các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia
Các tên lửa hành trình của Iran cũng đã đạt được mức độ tinh vi tương tự. Bằng chứng cho bước phát triển này có thể thấy rõ qua vụ các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia bị tấn công hồi tháng 9/2019.
Trong sự kiện này, Iran được cho là đã phóng khoảng 7 tên lửa hành trình cùng với 18 máy bay vũ trang không người lái (UAV) tập kích gây thiệt hại nặng nề cho 2 cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia.
Phong trào vũ trang Houthi ở Yemen tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng chính Iran đứng sau vụ việc này.
Khói bốc lên từ cơ sở dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia trong vụ tấn công hôm 14/9. Ảnh: Reuters
Hai cường quốc quân sự Mỹ - Israel đang "ngồi trên đống lửa"?
Các vụ tập kích thành công bằng cả tên lửa đạn đạo và hành trình thời gian vừa qua của Iran không chỉ cho thấy sự tiến bộ đáng kể mà Tehran đạt được trong lĩnh vực làm chủ công nghệ tên lửa mà còn bộc lộ những điểm yếu và nguy cơ dễ bị tổn thương của các quốc gia đối thủ, đặc biệt là Mỹ và Israel.
Quân đội Mỹ vốn vẫn rất tự hào về tiềm lực cũng như sức mạnh quân sự của họ nhưng đã gặp phải không ít khó khăn trong việc đánh chặn các vụ tấn công tên lửa của Iran hay từ những lực lượng mà Tehran hậu thuẫn.
Trần bay cao của các tên lửa đạn đạo khiến chúng dễ bị radar phát hiện nhưng lại rất khó đánh chặn bởi tốc độ bay nhanh của chúng. Thậm chí ngay cả khi đánh chặn được rồi thì quỹ đạo lao xuống của các tên lửa có thể vẫn sẽ gây thiệt hại cho các mục tiêu cách xa đó.
Ở chiều ngược lại, tên lửa hành trình tương đối dễ đánh chặn một khi phát hiện được. Thế nhưng, do có trần bay thấp chúng lại thường rất khó bị phát hiện hoặc khi đã phát hiện được thì đã quá muộn.
Quân đội Mỹ đã được trang bị các hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung Patriot nhưng lại chỉ được triển khai ở số ít vị trí nhất định. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của các tổ hợp này trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng đang rất có vấn đề.
Các hệ thống Patriot của Saudi Arabia đã không thể đánh chặn nổi vụ tấn công bằng tên lửa hành trình hồi tháng 9/2019 vừa qua.
Mỗi quả tên lửa Patriot bắn ra mất khoảng 3 triệu USD nhưng kết quả Saudi Arabia thu lại chỉ là con số không. Ảnh: Sebastian Apel.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Lục quân Mỹ hiện đang nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn mới. Lực lượng này cũng đang trong quá trình đàm phán mua 2 hệ thống đánh chặn từ Israel nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Quốc gia được trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất hiện nay là Israel. Tuy nhiên, ngay cả Israel cũng vẫn phải lo lắng về những phát triển gần đây của Iran.
Israel đã chế tạo được các hệ thống Arrow và David’s Sling để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Iron Dome ("Vòm Sắt") được Israel sử dụng để đối phó với các tên lửa tầm ngắn, rocket và đạn cối. Thậm chí ngay cả các xe tăng của Israel cũng có thể đánh chặn được tên lửa dẫn đường chống tăng.
Iron Dome thường xuyên được Israel triển khai để chống trả các vụ tấn công từ Dải Gaza. Hệ thống này triển khai lần đầu tiên năm 2011 và thực sự phát huy hiệu quả từ năm 2014.
Tuy vậy, hiệu quả đánh chặn của nó phần nhiều phục thuộc vào tính không chính xác của các rocket đối phương. Ngay cả khi phóng vào các mục tiêu rộng lớn như cả một thị trấn thì khoảng 3/4 trong số chúng thường rơi xuống các vùng đất trống, rất ít bắn trúng các tòa nhà. Iron Dome do vậy có thể tập trung vào đánh chặn số ít rocket còn lại.
Đó chính là một trong những lý do khiến Israel phải lo ngại về những tiến triển trong lĩnh vực công nghệ tên lửa gần đây của Iran.
Đặt tình huống, IRGC chuyển giao cho phong trào Hamas ở Gaza hoặc Hezbollah ở Lebanon các hệ thống dẫn đường chính xác thì vấn đề sẽ như thế nào? Chắc chắn các lực lượng này có thể gia tăng đáng kể độ chính xác cho những hệ thống vũ khí mà họ đang sử hữu.
Khi đó, thay vì phóng bừa bãi rocket và các thành phố, Hamas hay Hezbollah có thể tấn công thẳng vào các tòa nhà quan trọng, chẳng hạn như các nhà máy điện. Như vậy, thay vì chỉ lo lắng về một số rocket tấn công, các hệ thống Iron Dome giờ đây sẽ phải gồng mình đánh chặn phần lớn trong số chúng. Kịch bản này rất có thể vượt xa khả năng của Iron Dome.
Iran phóng tên lửa hành trình tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq