Tên lửa Epsilon phóng vệ tinh do Việt Nam chế tạo vào vũ trụ

Đỗ Quyên |

Vệ tinh MicroDragon do các kỹ sư thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thiết kế và chế tạo hôm 18-1 đã được phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura.

Vệ tinh MicroDragon – nặng 50 kg, rời bệ phóng lúc 9 giờ 50, theo giờ địa phương (tức 7 giờ 50 giờ Việt Nam). Nhiệm vụ phóng vệ tinh này được thực hiện với sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản cho 36 kỹ sư của Việt Nam.

Tên lửa Epsilon phóng vệ tinh do Việt Nam chế tạo vào vũ trụ - Ảnh 1.

7 vệ tinh được phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura ngày 18-1. Ảnh: Cắt từ màn hình video tường thuật của YouTube

Vào lúc 8 giờ 56 (giờ Việt Nam), vệ tinh MicroDragon tách khỏi tên lửa bay vào quỹ đạo. Dự kiến sau 24 giờ nữa, trạm mặt đất tại Tokyo bắt đầu nhận được tín hiệu vệ tinh gửi về.

Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam nằm trong số 6 vệ tinh nhỏ được phóng vào quỹ đạo cùng vệ tinh chính RAPIS-1 của Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản - JAXA (nặng 200 kg). Đợt phóng vệ tinh bằng tên lửa Epsilon 4 lần này là đợt phóng vệ tinh đầu tiên trong năm 2019 của Nhật Bản.

RAPIS-1 dự kiến hoạt động ít nhất 1 năm trên quỹ đạo. Trong thời gian đó, nó sẽ thử nghiệm một số công nghệ.

Trong khi đó vệ tinh MicroDragon của Việt Nam có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.

MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412 nm đến 1.020 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 500 km.

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại