Israel tấn công Syria: Tên lửa S-300 "đầu hàng và nuốt hận" trong im lặng?

Ngọc Huy |

Sau sự việc máy bay trinh sát IL-20 bị bắn hạ hồi cuối năm 2018, Nga đã chuyển giao miễn phí cho Syria những tổ hợp tên lửa S-300 và hệ thống điều khiển tự động tích hợp.

Động thái này đã có có hiệu quả nhất định khi khiến Không quân Israel không còn tự tung tự tác trong không phận Syria như trước.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây dường như chứng tỏ S-300 dường như đã mất thiêng với Israel, khi Không quân Do Thái đã tìm ra cách xuyên thủng lá chắn phòng không Syria với nhiều loại vũ khí và chiến thuật mới. Phòng không Syria phải nuốt hận trong im lặng?

Những đợt không kích mới cũng đặt ra vấn đề: Tại sao Israel tiếp tục không kích Syria, khi cuộc nội chiến tại quốc gia Cận Đông này đã tới hồi kết?

Trái ngược với những tuyên bố của Syria về việc ngăn chặn được các đợt tấn công, bom đạn của Israel vẫn tìm tới các nhà kho vũ khí và nơi trú đóng của lực lượng Iran trên lãnh thổ Syria.

Phải chăng vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn giản là việc Israel tìm cách vượt qua hệ thống phòng không của Syria để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ quốc gia Cận Đông này.

Israel tấn công Syria: Tên lửa S-300 đầu hàng và nuốt hận trong im lặng? - Ảnh 1.

Các sĩ quan cùng trắc thủ tên lửa S-300 Syria huấn luyện rất nghiêm túc.

Có S-300, Israel vẫn tìm được cách không kích Syria

Trước hết, có thể thấy rõ ràng, sự có mặt của S-300 tại Syria đã tạo ra tâm lý lo ngại rất lớn tới chiến lược, chiến thuật hoạt động của Không quân Israel nhằm vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, với sự tinh ranh và lão luyện của Không quân Israel, việc tìm cách vượt qua hệ thống phòng không Syria với sự góp mặt của tổ hợp S-300 chỉ là vấn đề thời gian.

Điều này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua các động thái của Israel kể từ khi S-300 được chuyển giao cho Quân đội Syria. Thay bằng các đòn tấn công vỗ mặt, thì đó là các chuyến bay của máy bay trinh sát điện tử, cũng như nỗ lực phản ứng qua đường ngoại giao.

Liều lượng phản ứng sau đó được tăng dần bằng các hoạt động quân sự hạn chế. Như vậy, để đối phó với hệ thống phòng không Syria được trang bị S-300, Israel coi như giải một bài toán. Và tất nhiên tất cả các bài toán đều có lời giải…

"Lời giải" về mặt kỹ thuật của Israel về vấn đề này chính là sự kết hợp giữa bom lượn GBU-39 SDB và tên lửa hành trình đường không Deliah. Những chiến dịch không kích chớp nhoáng từ không phận Lebanon đã cho thấy "lời giải" của Không quân Israel đưa ra đã kết quả.

Bất chấp những tuyên bố của phía Syria về việc ngăn chặn thành công các đợt không kích của Israel, nhưng những bức ảnh vệ tinh về mục tiêu bị phá hủy vì trúng bom đạn là lời chứng minh rõ ràng.

Về vấn đề này, giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc Israel sử dụng bom liệng GBU-39 kết hợp tên lửa hành trình là bước đi đối phó với hệ thống phòng không Syria đã được nâng cấp thời gian gần đây.

Israel tấn công Syria: Tên lửa S-300 đầu hàng và nuốt hận trong im lặng? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 Israel liên tục thách thức S-300 Syria.

Bom GBU-39 nhỏ, cơ động nên khó bị phát hiện và đánh chặn hơn. Khả năng dẫn đường hỗn hợp, khó bị áp chế điện tử, độ tản mát thấp khiến GBU-39 là vũ khí được tin được chọn.

Ngoài ra, do có trọng lượng nhẹ, mỗi máy bay chiến đấu Israel trong mỗi phi vụ có thể mang được nhiều đơn vị GBU-39 hơn để giúp tăng xác suất hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với GBU-39, sự thành công trên còn đến từ khả năng lập kế hoạch tác chiến tuyệt vời và kỹ năng lão luyện của phi công Israel tạo ra vũ khí đáng gờm để xuyên thủng hệ thống phòng không Syria.

Trong đợt tấn công mới đây, phi công Israel còn biết lựa chọn thời điểm Nga và Syria mở hành lang an toàn cho hàng không dân dụng và máy bay dân sự làm bình phong để tấn công. Điều đó là "đặc sản" mà không phải lực lượng không quân nào trên thế giới cũng có được.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là tại sao S-300 là im lặng trong các đợt tấn công của Israel. Phải chăng phòng không Syria không phát hiện được mục tiêu? Điều này cũng có một phần lý do kỹ thuật.

Việc máy bay chiến đấu Israel cơ động bay thấp, chỉ leo cao khi khai hỏa rồi lại thoát ly, khiến việc bám sát và đón lõng không hề dễ dàng. Mặt khác, các loại vũ khí được sử dụng là bom lượn GBU-39 có kích thước nhỏ không phải là mục tiêu phù hợp với tổ hợp vũ khí phòng không tầm xa như S-300.

Đó chỉ là các vấn đề về mặt kỹ thuật, việc S-300 Syria im lặng nhiều khả năng còn nằm ở những vấn đề khác, sâu sắc hơn.

Sự hiện diện của Iran không chỉ khiến Israel, mà cả Syria cũng… khó chịu

Nhưng có một vấn đề khác đáng chú ý hơn là các đợt tấn công của Israel chủ yếu nhằm vào các cơ sở quân sự của Iran trên đất Syria. Thủ tướng Israel mới đây còn tuyên bố cứng rắn, các đợt không kích chỉ chấm dứt khi Iran triệt thoái hoàn toàn lực lượng quân sự khỏi Syria.

Bản thân Damascus hiện cũng không mấy mặn mà với sự hiện diện và can dự quá nhiều của Iran vào vấn đề chính sự của nước này. Liệu đây có phải là một lý do khiến S-300 im lặng.

Từ khi Nga mở cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, không phận quốc gia Cận Đông này nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Phòng không-vũ trụ Nga thông qua việc hỗ trợ hệ thống phòng không Syria.

Israel tấn công Syria: Tên lửa S-300 đầu hàng và nuốt hận trong im lặng? - Ảnh 3.

Tên lửa S-300 được chuyển giao tới Syria.

Tuy nhiên, Israel vẫn có thể thực hiện các đợt không kích, thậm chí rất hiệu quả. Do tích chất phức tạp của cuộc nội chiến ở Syria, Moscow và Damascus dường như ngó lơ các đợt không kích của Israel vì mục tiêu của chúng là nhằm vào lực lượng Iran.

Nội chiến ở Syria có sự can dự rất sâu của Iran. Điều này có ích để giúp Damascus đứng vững, nhưng khi cuộc chiến gần đang dần đi tới hồi kết, việc Iran và lực lượng đồng minh bám rễ quá sâu tại Syria đang khiến Chính quyền Damascus lo lắng.

Điều này sẽ tạo ra một lực lượng quân sự ngoài pháp luật ở thời hậu chiến và có thể tạo ra một Lebanon thứ 2. Và rõ ràng Damascus không dễ dàng chấp nhận điều này. Liệu đây có phải lý do để hệ thống phòng không Syria phản ứng lấy lệ mỗi khi Israel tấn công vào các vị trí của Iran trên lãnh thổ nước này!

Một vấn đề khác cần tính tới là kể cả khi S-300 hoạt động hiệu quả, bắn hạ vũ khí và máy bay chiến đấu của Israel thì liệu có làm nguội những cái đầu nóng ở Tel aviv đang sôi sục khi thấy Iran áp sát lãnh thổ.

Vũ lực sẽ chỉ bị đối kháng bằng vũ lực. Điều này không hề có lợi cho việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Các bên ở Syria và cả Nga đều hiểu rõ, nội chiến ở Syria chỉ có thể giải quyết với sự hợp tác của Israel.

Các hệ thống S-300 Nga chuyển giao cho Syria nhắm tới Israel chỉ là thứ yếu, mục đích của nó lớn lao hơn nhiều so với việc ngăn chặn các đợt không kích của Israel.

Như vậy, nhiều khả năng các đợt không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự nằm trong lãnh thổ Syria chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Và việc S-300 còn im lặng tới khi nào, có lẽ chỉ khi các giá trị cốt lõi của Syria và Nga bị đe dọa… Và vấn đề này sẽ không sớm có lời giải quyết cho tới khi cuộc nội chiến ở Syria kết thúc hoàn toàn…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại