Thích hợp với mọi bệ phóng
Giữa năm 2017, nhà thầu quốc phòng tiên phong trong lĩnh vực tên lửa của Israel – Rafael Advanced Defense Systems, đã giới thiệu đến thế giới mẫu tên lửa mới nhất trong gia đình tên lửa Spike của họ với tên gọi Spike LR II.
Đây có thể xem là tên lửa thế hệ thứ Năm đầu tiên, đa năng và được thiết kế để đánh bại các mục tiêu "khó nhằn" nhất trên chiến trường. Trong lần giới thiệu đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Paris vào tháng 6 năm nay, mẫu tên lửa này nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Spike LR II vẫn là mẫu tên lửa đang được phát triển, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018. Theo nhà sản xuất, mẫu tên lửa mới được trang bị hệ thống máy tính thông minh, chính xác và linh hoạt hơn khi so với các phiên bản trước.
Tên lửa cũng được thiết kế để hoạt động trong các bệ phóng của thế hệ cũ là Spike MR và LR, phù hợp với cả các bệ phóng di động hoặc cố định.
Tên lửa cũng phù hợp với các bệ phóng nhẹ hơn do chính Rafael phát triển cho các bệ phóng trên không, cho phép các loại trực thăng chiến đấu có thể dễ dàng loại bỏ xe tăng, xe bọc giáp hoặc boongke ở khoảng cách lên đến 10 km.
Mọi mục tiêu đều bị hạ gục
Rafael đã cắt giảm khối lượng của Spike LR II, làm cho mẫu tên lửa mới nhẹ hơn 10% so với phiên bản trước đó, trong khi vẫn cung cấp các cải tiến lớn: sức mạnh, phạm vi hoạt động và độ chính xác.
Đầu tiên chính là khả năng đánh bại tất cả các loại mục tiêu trên chiến trường. Từ các loại xe tăng chiến đấu với hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến đến các mục tiêu nấp sau hầm chứa, tòa nhà đều không là vấn đề đối với Spike LR II.
Để có được khả năng như vậy, Rafael đã cung cấp tên lửa mới với hai loại đầu đạn – loại đầu tiên biến Spike LR II thành một tên lửa chống tăng thực thụ được tối ưu hóa với đầu đạn xuyên giáp tăng cường, tăng khả năng xuyên giáp 30% so với thế hệ trước.
Một lợi thế khác của tên lửa mới là khả năng tấn công ở các góc chạm cao hơn – góc tấn công có thể lên đến 700, mang lại nhiều tình huống tấn công hơn trong thực tế. Theo Rafael, SPIKE LR II là mẫu tên lửa duy nhất hiện tại có khả năng vượt qua hệ thống bảo vệ chủ động (APS).
Loại thứ hai là phiên bản đầu đạn đa năng, tùy thuộc vào tình huống và mục tiêu chiến đấu bọc giáp hay hạng nhẹ mà có những cài đặt phù hợp. Sự linh hoạt này cho phép người bắn có thể thiết lập chế độ chạm nổ hoặc đâm sâu vào mục tiêu rồi phát nổ.
Khi ở chế độ xuyên nổ, lượng nổ nhỏ sẽ tạo lỗ thủng trên mục tiêu, lượng nổ chính sẽ đâm sâu vào bên trong và phát nổ, phá hủy mục tiêu.
Bệ phóng tên lửa Spike LR II trên trực thăng
Khi bay, tên lửa vẫn duy trì kết nối với người bắn hay người điều khiển như các phiên bản trước, nhưng loại tên lửa mới đã cho phép tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi rộng hơn 5.5 km.
Khi sử dụng trên máy bay trực thăng, tên lửa có thể lựa chọn sử dụng một đầu truyền dữ liệu HD và tăng gấp đôi phạm vi tiêu chuẩn. Rafael đã thiết kế một bệ phóng nhẹ trên trực thăng, mang hai quả tên lửa này, vẫn ít hơn một quả so với một bệ phóng Hellfire tiêu chuẩn.
Đi kèm với đầu đạn mới là một đầu dò đa băng tần mới, với cảm biến tầm nhiệt lẫn cảm biến hình ảnh màu HD, tăng cường khả năng theo dõi mục tiêu chính xác hơn, thậm chí các mục tiêu phức tạp và ẩn nấp sau chướng ngại vật. Đầu dò cũng được trang bị các hệ thống máy tính phức tạp với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI).
Trí thông minh nhân tạo cho phép đầu do có thể duy trì việc khóa mục tiêu ngay cả trong trường hợp những thuật toán trước đó thường thất bại: mục tiêu biến mất sau chướng ngại vật, hoặc bề mặt mục tiêu phản xạ kém.
Đối với những mục tiêu như vậy, tên lửa thế hệ thứ ba chắc chắn sẽ trượt mục tiêu, còn tên lửa thế hệ thứ tư sẽ cần sự trợ giúp của người điều khiển.
Trong khi đó, Spike LR II có thể dễ dàng vượt qua những "thử thách" như vậy và có thể tự động theo dõi mục tiêu trong thời gian dài. Trí thông minh nhân tạo cũng là một phần mềm, và nhà sản xuất có thể dễ dàng thay đổi và nâng cấp, có thể biến quả tên lửa trở nên chính xác và nguy hiểm hơn.
Ống phóng tên lửa Spike LR II từ mặt đất
SPIKE LR II cũng hỗ trợ tính năng IMU cho các nhiệm vụ tấn công dưới sự chỉ điểm của bên thứ ba, cho phép tên lửa bắn dựa vào lưới tọa độ đã cung cấp. Tính năng này trở nên đặc biệt hữu ích trong việc bắn "mù" hay tiêu diệt các "mục tiêu biến mất", khi mà người bắn không thể quan sát thấy mục tiêu trong nhiều tình huống.
Rafael đã cung cấp hơn 27.000 tên lửa Spike và các hệ thống phóng cho hơn 26 quốc gia trên toàn thế giới, phần lớn họ sử dụng các biến thể MR và LR. Rafael đã khẳng định một lần nữa Israel là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới với tên lửa Spike LR II mới.
Các binh sĩ Bỉ bắn tên lửa Spike MR