Tên lửa BrahMos-A phóng từ tiêm kích Su-30MKI tăng tầm bắn lên 450 km

Bạch Dương |

Việc nối dài tầm bắn của tên lửa BrahMos-A sẽ giúp tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ tung đòn tấn công từ khoảng cách xa hơn.

Xương sống của Không quân Ấn Độ - máy bay chiến đấu Su-30MKI đã được trang bị phiên bản nâng cấp của tên lửa không đối hạm tầm xa BrahMos-A.

Truyền thông trong nước cho biết, New Delhi đã tăng tầm bắn của tên lửa lên 450 km, cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 30 tháng 12 năm 2022 đã xác nhận tham số này.

Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết bài kiểm tra được thực hiện trên Vịnh Bengal. Trong quá trình thực hiện, một chiếc Su-30MKI đã bắn tên lửa BrahMos và quả đạn đánh trúng tàu mục tiêu ở khoảng cách 450 km.

Thông cáo báo chí do Bộ Tư lệnh IAF đưa ra cho biết phi đội tiêm kích đa năng Su-30MKI do Ấn Độ chế tạo Su-30 đang có được lợi thế đáng kể trong các hoạt động chiến đấu tương lai.

“Tầm bắn của tên lửa BrahMos-A tăng lên, kết hợp với hiệu suất vượt trội của tiêm kích Su-30MKI, mang lại cho Không quân Ấn Độ một lợi thế chiến lược” , tuyên bố cho biết.

Tên lửa BrahMos-A phóng từ tiêm kích Su-30MKI tăng tầm bắn lên 450 km  - Ảnh 1.

Tên lửa không đối hạm BrahMos-A được triển khai từ tiêm kích Su-30MKI.

Một quả tên lửa BrahMos-A phóng từ máy bay có trọng lượng 2.500 kg, có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Đầu đạn của tên lửa nặng từ 200 kg đến 300 kg.

Ngoài việc được phóng từ máy bay, tên lửa BrahMos còn được phát triển thành phiên bản phóng từ tàu mặt nước và phóng từ đất liền. Phạm vi khác nhau tùy thuộc vào nền tảng triển khai vũ khí. Thậm chí phiên bản đối đất của BrahMos còn đạt tới tầm xa 500 km.

BrahMos có hai giai đoạn trong chuyến bay của mình. Tại thời điểm phóng là giai đoạn 1, khi đó tên lửa được cung cấp năng lượng bởi động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu rắn. Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng nhiên liệu lỏng để đẩy tốc độ lên mức tối đa.

Cần nhấn mạnh, PJ-10 BrahMos hoàn toàn không phải là tên lửa của riêng Ấn Độ, đây là sự phát triển chung giữa Moskva và New Delhi dựa trên nguyên mẫu 3M55 Oniks. Những bên tham gia sản xuất chung là Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cùng với NPO Mashinostroyeniya của Liên bang Nga.

Chuyến bay đầu tiên của tên lửa BrahMos diễn ra vào năm 2001. Kể từ đó cho đến nay, Ấn Độ đã đưa BrahMos vào thành phần tác chiến của 3 lực lượng chính là Lục quân, Hải quân và Không quân.

Những cuộc thử nghiệm đối với phiên bản phóng từ trên không có phạm vi tác chiến mở rộng bắt đầu muộn nhất. Bài kiểm tra đầu tiên của tên lửa BrahMos-A được phóng từ máy bay diễn ra vào tháng 4 năm 2022. Khi đó tên lửa chỉ đạt tới tầm xa khoảng 400 km.

BrahMos cũng có phiên bản xuất khẩu với tầm bắn tối đa 290 km. Ngoài Ấn Độ, Philippines là quốc gia khác dự kiến sẽ sớm vận hành tên lửa BrahMos, khi Manila quyết định sẽ mua một khẩu đội phòng thủ bờ biển sử dụng vũ khí trên.

Mặc dù tên lửa BrahMos có hiệu suất thực sự tốt, nhưng có lẽ phạm vi của biến thể xuất khẩu là một trở ngại lớn đối với việc xuất khẩu cho các quốc gia khác. Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa không cho phép Ấn Độ bán phiên bản BrahMos có tầm xa trên 300 km, tuy vậy vấn đề này vẫn có thể khắc phục nếu Nga chấp thuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại