Tê tay thường xuyên, vì sao?

Anh Thư thực hiện |

Tôi hay có cảm giác tê tay, khá nặng, tê từ phía dưới vai cho đến các đầu ngón tay. Hay gặp nhất khi ngủ và khi chạy xe đường dài…

Bạn đọc Trần Thị Phương (nữ, 56 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM), hỏi: Tình trạng 2 tay tê rần đã xảy ra với tôi từ nửa năm nay, nhiều khi khiến tôi thức dậy giữa đêm.

Thường tôi xoa bóp bằng dầu nóng thì có đỡ, nhưng đêm sau lại tái diễn. Xin hỏi bác sĩ rằng tê tay như vậy có thể là bệnh gì?

Nghe nói ai bị tê tay là phải mổ mới hết, có thật vậy không? Tôi mới nghỉ hưu, nên vận động có phần kém đi, không biết điều đó có liên quan gì không?

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất, trả lời:

Ở độ tuổi của chị, với các triệu chứng như mô tả, bệnh lý tôi nghĩ nhiều đến là chèn ép thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ (chèn rễ thần kinh đi ra từ tủy sống) hoặc chèn ép đường đi của đám rối thần kinh cánh tay.

Ngoài ra, tê tay cũng là triệu chứng thần kinh mạch máu thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

Nếu do thoái hóa đốt sống cổ, chị sẽ có thêm các triệu chứng đau vai gáy, đau đầu, mỏi cổ. Mức độ nặng hơn sẽ tê tay thường xuyên và yếu cơ tay bên bị chèn ép.

Nếu chèn ép theo đường đi của đám rối thần kinh cánh tay, chị thường xuyên tê và yếu cánh tay bên bị chèn ép do u bướu.

Đôi khi các mạch máu lân cận bị chèn ép gây nên tình trạng đau, phù tay do thiếu máu nuôi và cản trở máu về tĩnh mạch đưới đòn cùng bên.

Triệu chứng thần kinh mạch máu của bệnh tiểu đường thường gồm tê tay và chân. Ngoài ra, bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh tiểu đường (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân) và đường huyết, HbA1c cao.

Chị nên đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe tổng quát vì các vấn đề này đều cần thăm khám trực tiếp mới có thể chẩn đoán, xác định.

Với các bệnh nói trên, ngoài các can thiệp y khoa, chị cũng cần tập luyện, chú ý dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chị nên đi khám càng sớm càng tốt, vì triệu chứng đã kéo dài đến nửa năm như chị nói. Để lâu không trị một số vấn đề có thể nặng thêm.

Về việc từ khi nghỉ hưu, ít vận động có ảnh hưởng đến sức khỏe không, chắc chắn là có. Nghỉ hưu chị sẽ rảnh rỗi nhiều hơn, nên dùng một phần thời gian này cho các hoạt động ngoài trời, gặp gỡ bạn bè, tập thể dục, thể thao vừa sức…

Điều này giúp chị ngăn ngừa được nhiều bệnh và đặc biệt cần thiết nếu việc chị tê tay quả thật liên quan đến bệnh tiểu đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại