Tàu vũ trụ 46 năm tuổi của NASA bất ngờ hoạt động trở lại sau 7 tháng 'mất tích', thiết bị dù 'siêu cổ' nhưng vẫn chạy bình thường

ANH VIỆT |

Tàu vũ trụ 46 năm tuổi, Voyager 1, đã hoạt động trở lại bình thường sau 7 tháng gián đoạn vì sự cố kỹ thuật nghiêm trọng. Đây là tin vui cho những người yêu thích sứ mệnh không gian mang tính biểu tượng này, khi Voyager 1 tiếp tục hành trình khám phá không gian liên sao.

Sau 7 tháng tạm ngừng hoạt động, tàu vũ trụ Voyager 1, đã 46 năm tuổi, chính thức trở lại hoạt động bình thường và tiếp tục sứ mệnh khám phá không gian liên sao. Theo thông báo từ NASA, cả bốn thiết bị khoa học trên Voyager 1 đã hoạt động trở lại, thu thập và gửi dữ liệu về Trái Đất sau sự cố kỹ thuật nghiêm trọng xảy ra vào tháng 11/2023.

Được phóng lên vào năm 1977, Voyager 1 hoạt động dựa trên công nghệ cũ. Con tàu vũ trụ mang tính lịch sử này đang khám phá rìa ngoài cùng của hệ Mặt Trời, kết hợp dữ liệu quan sát của nó với dữ liệu từ các sứ mệnh mới hơn để hiểu rõ hơn về cách nhật quyển tương tác với không gian liên sao. Trong nhiều thập kỷ, tàu vũ trụ này là nguồn cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về vũ trụ, từ việc phát hiện ra các mặt trăng mới, núi lửa đang hoạt động cho đến các vành đai hành tinh.

Tàu vũ trụ 46 năm tuổi của NASA bất ngờ hoạt động trở lại sau 7 tháng 'mất tích', thiết bị dù 'siêu cổ' nhưng vẫn chạy bình thường- Ảnh 1.

Vào cuối năm ngoái, Voyager 1 bất ngờ gửi về Trái đất những dữ liệu vô nghĩa. Đến tháng 3 năm nay, đội ngũ đứng sau sứ mệnh đã xác định được nguyên nhân khiến dữ liệu của Voyager 1 bị xáo trộn: một con chip duy nhất chịu trách nhiệm lưu trữ một phần bộ nhớ của hệ thống dữ liệu chuyến bay (FDS) của tàu vũ trụ đã bị lỗi.

FDS có nhiệm vụ thu thập dữ liệu từ các thiết bị khoa học của Voyager, cũng như dữ liệu kỹ thuật về tình trạng của tàu vũ trụ, sau đó kết hợp chúng thành một gói duy nhất được truyền về Trái Đất dưới dạng mã nhị phân. Tuy nhiên, khi con chip bị lỗi, Voyager 1 bắt đầu gửi dữ liệu theo một mẫu lặp đi lặp lại của số một và số không.

Để giải quyết sự cố, các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA đã quyết định không sửa chữa con chip bị lỗi mà đặt đoạn mã bị ảnh hưởng ở vị trí khác trong bộ nhớ FDS. Vào ngày 19/5, nhóm phụ trách sứ mệnh đã thực hiện thành công phần thứ hai của nhiệm vụ giải cứu Voyager bằng cách gửi lệnh đến tàu vũ trụ.

NASA cho biết, hai trong số bốn thiết bị khoa học trên Voyager 1 đã trở lại chế độ hoạt động bình thường ngay lập tức trong khi hai thiết bị còn lại cần thêm một số thao tác. Hiện tại, cơ quan vũ trụ này vui mừng thông báo rằng tất cả bốn thiết bị đều đang trả về dữ liệu khoa học có thể sử dụng được.

Voyager 1 được phóng sau tàu thăm dò song sinh Voyager 2 chưa đầy một tháng. Vào ngày 25/8/2012, Voyager 1 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên đến không gian liên sao và du hành vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng của Mặt Trời. Hiện tại, Voyager 1 đang ở cách Trái Đất 15,14 tỷ dặm, điều này khiến cho việc sửa chữa tàu vũ trụ trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại