Theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ; nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia, từ ngày 5 đến 9/3/2018, tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer sẽ thăm hữu nghị TP Đà Nẵng.
Cụm tàu sân bay Mỹ luôn là biểu tượng sức mạnh, niềm tự hào, đồng thời là công cụ hữu hiệu để Mỹ răn đe các đối thủ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson là một trong 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz. Với tổng chiều dài gần 333m, lượng giãn nước 101.000 tấn; đây là lớp tàu chiến lớn nhất trên thế giới. Với lượng giãn nước khổng lồ như vậy, tàu phải sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân A4W để tạo ra hơi nước áp lực cao, làm quay bốn trục chân vịt.
Tốc độ tối đa của tàu là trên 30 hải lý một giờ (56 km/h); công suất cực đại là vào khoảng 260.000 shp (190 MW).
Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, nên tàu USS Carl Vinson có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu; và theo tính toán, tàu có thời gian phục vụ khoảng trên 50 năm. Tầm hoạt động của tàu không giới hạn, chỉ phụ thuộc vào khả năng tiếp tế hậu cần.
Các loại máy bay trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ.
Sức mạnh chiến đấu
Trong tác chiến, sức mạnh tiến công của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson là liên đội không quân với hơn 90 máy bay các loại.
Từ tàu sân bay USS Carl Vinson, các máy bay chiến đấu có thể tiến công các mục tiêu từ khoảng cách vài trăm km. Tàu sân bay USS Carl Vinson được biên chế Liên đội không quân số 2 (CVW-2) với hơn 70 máy bay.
Trong đó hơn 1/2 là tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet, đây là lực lượng tiến công chủ yếu của cụm tàu sân bay Mỹ, có khả năng tiến công các mục tiêu trên không, trên mặt biển, mặt đất của đối phương.
Ngoài tiêm kích hạm ra, liên đội có 19 máy bay trực thăng SH-60 Seahawk thực hiện tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, tiếp tế cho tàu sân bay khi hoạt động xa bờ; 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Glowler (được phát triển từ mẫu F/A-18) có nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp điện tử và tiến công các hệ thống phòng không của đối phương.
tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet
Bên cạnh đó, tàu còn có 4 máy bay trinh sát cảnh báo sớm E-2C có nhiệm vụ phát hiện, chỉ thị vị trí máy bay đối phương cho các lực lượng trên cụm tàu sân bay. 2 máy bay vận tải C-2 Greyhound sẵn sàng chở quân và hàng tiếp tế đến và đi khi ở ngoài phạm vi hoạt động của máy bay trực thăng MH-60.
Quân số phi công, thủy thủ trên tàu sân bay khoảng 6.000 người, được huấn luyện bài bản, phối hợp thuần thục, tạo nên sức mạnh tác chiến gần như bất khả xâm phạm của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson.
Sức mạnh biên đội tàu chiến hộ tống
Tàu sân bay USS Carl Vinson có một biên đội tàu hộ tống gồm ít nhất là 8 tàu chiến, tạo thành cụm tàu sân bay. Trong các tàu hộ tống, "hầm hố" nhất là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Tàu khu trục Arleigh Burke là "xương sống" của hạm đội hải quân Mỹ, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có năng lực công thủ toàn diện; trong đó có cả khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao.
Đội hình các tàu khu trục USS Dewey (DDG-105), USS Wayne E. Meyer (DDG-108), tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70), tàu khu trục USS OÕKane (DDG-77) và USS Sterett (DDG-104). Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tàu tuần dương Ticonderoga được trang bị tên lửa phòng không RIM-161 Standard (SM-3), kết hợp với hệ thống Aegis và radar AN/SPY-1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly đến 500km và chiều cao đến 160km.
Một thành phần không thể thiếu của của cụm tàu sân bay là tàu ngầm tiến công nhanh lớp Los Angles, có nhiệm vụ trinh sát, phát hiện, tiến công các tàu ngầm đối phương ở khoảng cách xa, bảo vệ cụm tàu sân bay trước mọi nguy cơ bị tiến công bất ngờ từ trong lòng biển.
Hệ thống phòng thủ đa tầng
Tàu sân bay USS Carl Vinson được trang bị các hệ thống vũ khí cũng như phòng thủ công nghệ cao, uy lực tiến công mạnh, tầm bắn xa, để triệt tiêu các mối đe dọa; nhất là các tên lửa chống hạm và tàu ngầm của đối phương.
Các hệ thống phòng thủ gồm nhiều thiết bị cảm biến có độ nhạy cao, hoạt động gần như tự động hoàn toàn, ít khi cần sự can thiệp của con người. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần như pháo Gatling cỡ nòng 20mm, có tốc độ bắn đến 50 phát/giây, khó có thể vũ khí nào tiếp cận được tàu sân bay mà không bị ngăn chặn quyết liệt.
Liên đội không quân bố trí trên tàu với 90 máy bay (tối đa); trong đó có phi đội máy bay cảnh giới tầm xa, có thể phát hiện mục tiêu từ rất xa để có kế hoạch đối phó. Các phi đội máy bay trực thăng săn ngầm phát hiện các mối nguy hại từ dưới lòng biển.
Toàn bộ hệ thống cảm biến và vũ khí phòng thủ của tàu sân bay đều được kết nối mạng chỉ huy trung tâm trên boong để phối hợp tiến công lực lượng đối phương.
Khi tác chiến, tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai theo cụm tác chiến, gồm nhiều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Aegis; đây là hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đại, có khả năng triệt tiêu mọi mối đe dọa tiềm tàng, kể cả tên lửa đạn đạo của đối phương.
Cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ hành quân trên biển.
Hệ thống Aegis được kết nối với các hệ thống tiến công và phòng thủ khác trên các tàu chiến mặt nước để tiêu diệt, phá hủy tàu ngầm, tàu mặt nước, thủy lôi; vô hiệu hóa các hệ thống cảm biến dẫn đường của tên lửa đối phương.
Khi kết hợp với lực lượng không quân trên tàu sân bay, lực lượng tàu chiến sẽ nhanh chóng chế áp các hệ thống dẫn đường tiến công của đối phương.
Bên cạnh đó, tàu USS Carl Vinson được biên chế các tàu ngầm tiến công, chuyên tiêu diệt các mục tiêu trong lòng biển và trên mặt nước của đối phương từ xa, nhờ hệ thống trinh sát tầm xa của cụm tàu sân bay. Như vậy các hệ thống tàu nổi, tàu ngầm của đối phương khó có cơ hội tiếp cận tàu sân bay để phóng tên lửa đối hạm hay ngư lôi.
Khả năng cơ động, tác chiến linh hoạt
Mặc dù có hình dáng đồ sộ, lượng giãn nước lớn, nhưng tàu sân bay USS Carl Vinson có tốc độ rất cao, có thể di chuyển với vận tốc 56 km/h, khiến cho các tàu ngầm tốc độ chậm hơn rất khó phát hiện, đeo bám.
Theo tính toán, chỉ trong 30 phút khi bị đối phương phát hiện, phạm vi hoạt động của USS Carl Vinson được nới rộng nên tới 1.800 km2, và sau 90 phút, nó có thể ở bất cứ đâu trong phạm vi diện tích đến 15.500 km2.
Tàu sân bay USS Carl Vinson cấu tạo có 25 tầng, cao 76 m. Tàu có hàng trăm khoang chống nước và lớp vỏ thép dày, nên không có một ngư lôi, thủy lôi hay tên lửa thông thường nào có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu.
Bên cạnh khả năng trên, việc tác chiến linh hoạt giúp USS Carl Vinson tối ưu hóa khả năng tồn tại trước các mối đe dọa.
Trên biển, tàu thực hiện di chuyển liên tục, khiến đối phương khó phát hiện, đeo bám; đồng thời tàu USS Carl Vinson liên tục được kết nối với các khí tài trinh sát phát hiện mục tiêu của đối phương từ đáy biển (hệ thống trinh sát thủy âm), trên mặt biển, mặt đất, trên không (các loại radar, quan sát quang - điện tử) đến vũ trụ (vệ tinh).
Do vậy, các hành động theo bám hay tiến công tàu sân bay của đối phương sẽ nhanh chóng bị phát hiện, từ đó giúp chỉ huy tàu đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả.
Đứng trước các mối đe dọa mới; Hải quân mỹ đã mua sắm nhiều trang bị công nghệ tiên tiến để trang bị cho tàu sân bay đối phó hiệu quả với các mối đe dọa mới. Trên tàu sân bay USS Carl Vinson đều được ứng dụng công nghệ cao, có thể kết nối tất cả các hệ thống khí tài trong một khu vực để tối đa hóa hiệu quả tác chiến.
Ví dụ công nghệ Kiểm soát hỏa lực - phòng không tích hợp (NIFCA) đã giúp kết nối mọi hệ thống chiến đấu, đồng thời đối phương khó có thể thâm nhập vào hệ thống.
Một loạt hệ thống công nghệ mới khác cũng đang được nghiên cứu, như hệ thống chống khả năng trinh sát thâm nhập của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5, các thiết bị gây nhiễu để đánh lừa hệ thống dẫn đường tên lửa tiên tiến của đối phương.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động từ năm 1982, tàu sân bay USS Carl Vinson liên tục tham gia các sứ mệnh tại Tây Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Vào tháng 10/2001, USS Carl Vinson đã tiến hành đợt không kích đầu tiên vào lãnh thổ Afghanistan, khơi mào chiến dịch "Tự do bền vững" của Mỹ nhằm đáp trả vụ khủng bố 11/9/2001; đến tháng 1/2003, con tàu tiếp tục góp mặt vào cuộc chiến ở Iraq.
Hiện nay, tàu sân bay USS Carl Vinson và một số tàu sân bay khác thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, thường xuyên tiến hành tập trận răn đe ở Thái Bình Dương, để cho tất cả các nước ở khu vực này đều nhìn thấy rõ "cơ bắp sắt thép" của Mỹ, từ đó lựa chọn "thái độ đúng đắn" đối với Mỹ.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) trong một chuyến hải trình trên Thái Bình Dương