Tại sao tiêm kích MiG-29SMT Nga vừa "lấp ló" ở Syria lại vội vã rút về?

Tuấn Sơn |

Có rất nhiều loại vũ khí mới của Nga được thử lửa tại Syria, phần lớn đã minh chứng được sức mạnh thực sự. Trường hợp của tiêm kích MiG-29SMT có thể coi là ngoại lệ.

Tiêm kích MiG-29SMT chỉ xuất hiện một thời gian ngắn tại Syria, sau đó đã được rút trở về Nga. Tại sao dòng máy bay chiến đấu với các tính năng bay đặc biệt, thậm chí tạo ra các động tác bay chưa từng có trong lịch sử hàng không quân sự, như MiG-29SMT lại sớm rời khỏi Syria?

Hoàn thành nhiệm vụ của một máy bay tiêm kích phòng không

Rõ ràng khi xét về mặt kỹ thuật, máy bay tiêm kích MiG-29 được thiết kế cho nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn điểm và biến thể nâng cấp MiG-29SMT cũng có chung nhiệm vụ đó.

Cho dù MiG-29SMT được nâng cấp về hệ thống điện tử và động cơ thế hệ mới có khả năng thay đổi vector lực đẩy để mở rộng khả năng hoạt động đa nhiệm, thì nó vẫn là máy bay tiêm kích phòng không lợi hại, đặc biệt là khả năng không chiến quần vòng.

Ngay ở bản tiêu chuẩn, MiG-29 đã có khả năng không chiến tầm gần vượt trội so với các đối thủ F-16 hay Mirage-2000… của phương Tây. Ở phiên bản MiG-29SMT, khả năng không chiến nó còn được nâng lên tầm cao mới, vượt trội hơn.

Điều này giúp giải thích rõ tại sao MiG-29SMT lại là những đơn vị không quân đầu tiên Nga triển khai tới căn cứ Khmeymin, Syria vào cuối năm 2015 để đối phó với các mối nguy cơ hiện hữu trong khu vực.

Ở thời điểm đó, khi chiến cục Syria chưa rõ ràng, Không quân Nga cần đảm bảo tối đa khả năng bảo vệ các căn cứ tại Syria trước các mối nguy cơ, trong đó có cả nguy cơ đến từ trên không.

Máy bay MiG-29SMT phối hợp các tổ hợp vũ khí phòng không S-400, Pantsir-S1 và máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30SM, Su-35S tạo thành lưới phòng không liên hoàn bảo vệ căn cứ Khmeymin và Tartus.

Tại sao tiêm kích MiG-29SMT Nga vừa lấp ló ở Syria lại vội vã rút về? - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-29SMT của Nga được cho là đã triển khai ở Syria trong một thời gian ngắn.

Với sự phân hóa của cuộc chiến tại Syria, các mối nguy cơ hiện hữu từ trên không đối với các căn cứ quân sự Nga tại Syria không còn quá nghiêm trọng như khi bắt đầu triển khai, thì vai trò của máy bay MiG-29SMT trở nên dần mờ nhạt và không cần thiết. Đây có thể coi là một trong những lý do "cao thủ không chiến quần vòng" sớm được rút khỏi Syria.

Ngoài nhiệm vụ tiêm kích phòng không, tại Syria, MiG-29SMT còn có thể đáp ứng nhiệm vụ cường kích hạng nhẹ khi mang vũ khí không đối đất. Đây cũng có thể coi là chiến trường thử nghiệm thực chiến đấu đầu tiên của MiG-29SMT ở nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, những vấn đề của một máy bay tiêm kích chuyên nghiệp được mở rộng khả năng tác chiến đa nhiệm đã nảy sinh. Chi phí hoạt động, khối lượng vũ khí mang theo, tần suất cất cánh của MiG-29SMT không đáp ứng được yêu cầu của máy bay cường kích hạng nhẹ đảm nhận nhiệm vụ tấn công bất ngờ và tần suất cất và hạ cánh dày đặc.

Ở dài nhiệm vụ này, máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất Su-25 và các biến thể tỏ ra ưu thế hơn nhiều.

Tại Syria, trong khi các máy bay tiêm kích-bom Su-24/Su-34 đảm nhiệm các phi vụ oanh tạc hạng nặng, thì Su-25 với tần suất xuất kích có thể lên tới 10 chuyến/ngày tạo ra ưu thế hỏa lực trên không rất đáng kể, nhất là khi đối phó với các mục tiêu khủng bố, tác chiến bất đối xứng. Đây cũng có thể là lý do khiến MiG-29SMT sớm chia tay chiến trường Syria.

Tại sao tiêm kích MiG-29SMT Nga vừa lấp ló ở Syria lại vội vã rút về? - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29SMT của Nga.

Nhường "sân khấu" cho đàn em

Xét về chiến lược xuất khẩu vũ khí của Nga hiện tại, MiG-35 (biến thể nâng cấp sâu của máy bay MiG-29) đang được coi là trong điểm giới thiệu tới khách hàng nước ngoài.

MiG-35 được trang bị nhiều công nghệ hàng không tối tân: Hệ thống điện tử hàng không tiêu chuẩn 4+, radar mảng định pha chủ động Zhuk-AE, động cơ nâng cấp RD-33MK…, được Nga giới thiệu tới các quốc gia có nhu cầu về dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng trung mới với tính năng tương đương với các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ trên thế giới.

Vậy! Một vấn đề đặt ra là nếu MiG-29SMT có kết quả tác chiến quá thành công ở Syria; có giá thành rẻ hơn so với MiG-35, dù có tính năng thua kém không nhiều…, thì khách hàng quốc tế sẽ chọn sản phẩm nào. Trong khi đó, MiG-35 dù có những lời quảng cáo hoa mỹ, nhưng thực tế vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và chưa từng được thử lửa chiến trường.

Tại sao tiêm kích MiG-29SMT Nga vừa lấp ló ở Syria lại vội vã rút về? - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-35 của Nga.

Kinh nghiệm tại chiến trường Syria đã cho thấy một điều rõ ràng rằng, chỉ những loại vũ khí khẳng định được tính năng chiến đấu thực sự tại chiến trường mới nhận được sự quan tâm rộng rãi từ thị trường vũ khí quốc tế. Phải chăng Nga rút máy bay MiG-29SMT mới cũng là có ẩn ý và MiG-35 sẽ sớm có mặt tại Syria?

Với những vấn để trên, rõ ràng Nga có rất nhiều lý do để cho MiG-29SMT về nước sớm.

Tiêm kích MiG-35 bay biểu diễn tại Triển lãm MAKS 2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại