Tàu sân bay Trung Quốc thiếu trầm trọng phi công

Anh Minh |

Thiếu phi công hải quân đang cản trở tham vọng của Bắc Kinh trong việc phát triển một phi đội sẵn sàng chiến đấu trên tàu sân bay Trung Quốc.

Trung Quốc đã chính thức biên chế tàu sân bay Sơn Đông hồi tuần trước và nay số tàu sân bay Trung Quốc đang hoạt động đã lên con số 2. Tuy nhiên, biên chế tàu Sơn Đông đồng nghĩa là cần phải có ít nhất 70 phi công và số người phục vụ còn lớn hơn nữa.

Kế hoạch mở rộng hạm đội lên đến 6 tàu sân bay, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng trên các tàu này, đồng nghĩa huấn luyện thêm nhiều phi công đang là nhu cầu cấp bách trong tương lai gần.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch hiện đại hóa khắp các binh chủng của quân đội Trung Quốc và nói “sự cần thiết phải xây dựng hải quân mạnh chưa bao giờ cấp bách như thế”.

Nhưng Collin Koh, nhà nghiên cứu của trường quốc tế S Rajaratnam thuộc đại học công nghệ Nanyang, Singapore nói có nút thắt trong việc tuyển mộ và huấn luyện phi công nói chung và cho các tàu sân bay Trung Quốc nói riêng.

“Ý niệm về không quân trên hạm vẫn còn tương đối mới đối với quân đội Trung Quốc, đặc biệt khi có nhu cầu cấp bách phải tăng tốc độ và quy mô huấn luyện và tuyển mộ, nhằm đáp ứng các chỉ thị cấp cao về việc xây dựng một chương trình phát triển đội ngũ tàu sân bay”, ông nói với SCMP.

Chương trình huấn luyện của Trung Quốc dành cho các đối tượng phi công, đặc biết khi có sự ra đời của chi nhánh phi công hải quân tháng 5/2013, vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Tàu sân bay Trung Quốc đầu tiên là Liêu Ninh được biên chế vào tháng 9/2012, nhưng phi công mãi hai tháng sau mới có phi công đầu tiên hạ cánh thành công xuống tàu sân bay.

Còn hạ cánh đêm trên tàu sân bay thành công lần đầu tiên chỉ được báo chí Trung Quốc đưa tin vào tháng 5/2018, tức là gần 4 năm sau.

Có vẻ như huấn luyện xong phi công trực thăng trên hạm còn mất thời gian hơn nữa, với cú hạ cánh thành công lần đầu tiên diễn ra tháng 11/2018, theo đại học Hàng không hải quân Trung Quốc, và lần hạ cánh đêm đầu tiên thành công là vào tháng 6/2019.

Chương trình huấn luyện phi công còn bị cản trở sau một loạt các tai nạn, cho dù theo ông Koh, còn có nhiều tai nạn khác không được công bố để tránh gây tâm lý e ngại đối với các học viên mới.

Một số ít ngày sau khi Trung Quốc kỷ niệm 70 thành lập nước CHND Trung Hoa với một cuộc diễu binh có máy bay hoành tráng, 3 phi công bị thiệt mạng khi một trực thăng đâm xuống đất ở tỉnh Hà Nam.

Chỉ 8 ngày sau, lại xảy ra một vụ tai nạn ở cao nguyên Tây Tạng, khi một chiếc tiêm kích J-10 đang bay huấn luyện ở độ cao thấp đâm vào núi, dù phi công kịp nhảy dù.

Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói ít nhất phải mất ba năm, tình trạng thiếu hụt phi công hải quân mới có thể được giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại