Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc rời xưởng

Bình Giang |

Ngày 17/6, tàu sân bay thứ ba và cũng là tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc được hạ thuỷ, rời khỏi xưởng đóng tàu ở Thượng Hải, đài truyền hình CCTV đưa tin.

Ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam, nơi chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến. (Ảnh: Planet Labs)

Ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam, nơi chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến. (Ảnh: Planet Labs)

Lễ hạ thuỷ diễn ra vào 11h trưa, bắt đầu bằng màn hát quốc ca và thượng cờ. Sau khi cắt băng khánh thành, tàu Phúc Kiến được làm lễ tẩy rửa bằng một chai sâm-panh đập vào vỏ.Tàu sân bay Type 003 được đặt tên theo tỉnh Phúc Kiến. Đây là con tàu đầu tiên trong hạm đội của Trung Quốc sử dụng máy phóng điện từ để phóng máy bay từ khoang, nhờ vậy sẽ đạt tốc độ nhanh hơn hệ thống phóng chạy bằng hơi nước kiểu cũ.

Sau đó, con tàu di chuyển khỏi bến số 4 của nhà máy đóng tàu Giang Nam.

Các khẩu hiệu chính trị bằng tiếng Trung màu trắng viết trên nền đỏ được gắn vào trên tàu. "Thể hiện sức mạnh chiến đấu – chiến đấu để xây dựng hoàn chỉnh hải quân đẳng cấp thế giới" là một trong các khẩu hiệu.

Hệ thống phóng điện từ hoạt động tiết kiệm nhiên liệu hơn và đòi hỏi ít bảo dưỡng hơn. Hệ thống này đã được trang bị cho các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ.

Trong khi hai tàu sân bay trước của Trung Quốc có đường cất cánh dốc, tàu Phúc Kiến có sàn phẳng. Tàu mới có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn.

Theo bản tin của CCTV, thử nghiệm hệ thống định vị và neo đậu của tàu sẽ là nhiệm vụ ưu tiên sau lễ hạ thuỷ hôm nay.

Lễ hạ thuỷ tàu Phúc Kiến được nói là đã bị hoãn hai lần. Ban đầu, tàu dự kiến rời cảng vào ngày 23/4, đúng dịp kỷ niệm 73 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, nhưng bị hoãn do diễn biến lây lan dịch COVID-19 nghiêm trọng.

Sau đó, tàu dự kiến được hạ thuỷ vào ngày 3/6, đúng dịp diễn ra lễ hội thuyền rồng , nhưng cũng bị hoãn mà không có lời giải thích nào.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào biên chế từ tháng 9/2012 và mang tên Liêu Ninh. Con tàu dài 300m được hoán đổi và nâng cấp từ tàu Varyag của Liên Xô mà Trung Quốc mua của Ukraine năm 1998.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông, được nước này chế tạo dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh. Cả ba tàu này đều là theo kiểu truyền thống, nhưng tàu sân bay thứ tư dự kiến sẽ là tàu hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại