J-20 của Trung Quốc
Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 duy nhất được phát triển bên ngoài nước Mỹ và được trang bị ở cấp phi đội, chương trình J-20 thành công là kết quả của việc Trung Quốc nổi lên với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng là nước dẫn đầu trong một số lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đang tăng tốc nhanh chóng.
J-20 ngày càng được coi là chiến đấu cơ có khả năng nhất trên thế giới về hoạt động không đối không và vẫn liên tục được nâng cấp, mà gần đây nhất là biến thể J-20A với tính năng tàng hình được cải thiện đáng kể cùng khả năng siêu hành trình bằng động cơ WS-10C mới.
Hệ thống điện tử hàng không của J-20 được đánh giá là ngang ngửa với đối thủ F-35 của Mỹ, cho dù không giống như F-35, J-20 Trung Quốc được thiết kế chủ yếu cho các nhiệm vụ không đối không chứ không phải đối đất, thể hiện ở cấu hình động cơ đôi, trọng tải lớn hơn, trang bị tên lửa không đối không, hiệu suất bay vượt trội cũng như có hệ thống cảm biến lớn hơn.
Các quan chức Không quân Mỹ đã xác nhận về cuộc chạm trán đầu tiên giữa J-20 với F-35 vào tháng 3/2022. Đây cũng là lần “đụng độ” đầu tiên giữa các máy bay chiến đấu thế hệ mới của hai đối thủ kình địch.
J-20 ngày càng được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của phi đội máy bay chiến đấu hạng nặng của Trung Quốc khi được đưa vào sản xuất đồng loạt từ cuối năm 2021 và đã được đưa vào biên chế cho quân đội nước này.
Máy bay chiến đấu J-20A của Trung Quốc
F-35 của Mỹ
F-35 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 có trọng lượng nhẹ nhất. Trọng tải vũ khí của nó nhỏ hơn nhiều so với các đối thủ khác khi chỉ sử dụng duy nhất một động cơ.
Chiếc máy bay này được thiết kế nhẹ hơn và rẻ hơn F-22 nhưng không có khả năng siêu hành trình và tốc độ chậm, khả năng cơ động thấp và trần bay cũng ở độ cao thấp.
Tuy nhiên, không giống như F-22, F-35 lại được hưởng lợi từ khả năng tàng hình và tác chiến điện tử tiên tiến, có khoang chứa bom lớn, cho phép nó mang theo tên lửa hành trình, bom hạng nặng và thậm chí cả đầu đạn hạt nhân.
Về cơ bản, F-35 được thiết kế cho nhiều hoạt động khác ngoài việc chiếm ưu thế trên không, mặc dù nó vẫn giữ được khả năng phòng thủ không đối không.
Dòng máy bay chiến đấu này cũng được chế tạo với mục tiêu hạ thấp cho phí và được sản xuất với số lượng rất lớn, dù chi phí hoạt động của nó vẫn cao hơn nhiều so với ngân sách ban đầu. Đây là một vấn đề vẫn còn tồn tại cho tới nay.
Không giống như J-20, F-35 vẫn chưa được chứng nhận để sản xuất quy mô đầy đủ do các vấn đề về hiệu suất đang diễn ra và vẫn còn phải mất vài năm nữa mới đi vào hoạt động hoàn chỉnh.
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ
Su-57 của Nga
Được phát triển như phiên bản kế thừa từ chương trình MiG 1.42 của Liên Xô sau thời kỳ kinh tế bất ổn trong những năm 1990, Su-57 được mong đợi sẽ trở thành trụ cột của Không quân Nga vào giữa những năm 2020.
Những năm 1980, Liên Xô được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về máy bay chiến đấu thế hệ 5, cũng giống như những gì họ đã giành được với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 trước đây so với các đối thủ.
Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ khiến nước Nga phải đối diện với một nền kinh tế yếu kém và quy mô nghiên cứu nhỏ hơn nhiều, không đủ để theo đuổi mục tiêu này. Mặc dù vậy, Su-57 vẫn là một máy bay chiến đấu đầy hứa hẹn. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, khó có quốc gia nào địch nổi Su-57 của Nga.
Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga
Mặc dù khả năng tàng hình kém hơn so với các đối thủ nước ngoài, nhưng tên lửa không đối không tầm xa của Su-57 được cho là mạnh mẽ hơn.
Hệ thống cảm biến của Su-57 khá độc đáo, được xây dựng xung quanh một cảm biến hồng ngoại và có không dưới 6 radar mảng pha quét điện tử hoạt động ở nhiều dải tần khác nhau - trong khi F-35 và J-20 chỉ sử dụng một radar.
Khả năng cơ động của Su-57 cũng được đánh giá là “vô song”. Không giống như F-35 và J-20 chuyên dụng hơn, máy bay chiến đấu phản lực Su-57 của Nga được thiết kế để có khả năng như nhau trong cả hai vai trò không đối không và không đối đất, đồng thời lại có thể triển khai được rất nhiều loại tên lửa hành trình và bom dẫn đường.