Ảnh: AP
Khoản viện trợ vũ khí của Mỹ bao gồm tên lửa chống hạm, pháo phản lực, pháo binh và vũ khí phòng thủ bờ biển bổ sung, cũng như đạn dược cho các hệ thống pháo binh và tên lửa tiên tiến. Phát biểu tại Brussels (Bỉ) khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng các nước đồng minh bên lề Hội nghị Bộ trưởng NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố phương Tây cần đẩy mạnh việc giao vũ khí cho Ukraine và không thể mất tập trung vào cuộc xung đột.
"Chúng tôi đã làm được rất nhiều việc cho đến nay, nhưng chúng tôi không có thời gian để lãng phí. Vì vậy, chúng tôi ở đây để củng cố thêm sức mạnh.
Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc chiến hiện tại và chúng tôi sẽ xây dựng sức mạnh bền bỉ cho họ trước những hiểm nguy của ngày mai. Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng tôi có thể giúp Ukraine tự bảo vệ mình.
Chúng tôi có thể củng cố an ninh cho Ukraine trong thời gian dài. Và chúng ta có thể tập hợp lại để thể hiện các quy tắc đó sẽ phát huy tác dụng", ông Austin nhấn mạnh.
Về phần mình, Ukraine vẫn đang thúc ép Mỹ và các đồng minh giao vũ khí nhanh chóng nhằm chiếm ưu thế trong cuộc giao tranh với lực lượng Nga ở khu vực phía đông Donbas. Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra lập luận rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường hỗ trợ vì mục tiêu của Nga sẽ không dừng lại khi chiến dịch quân sự ở Ukraine kết thúc.
Phản ứng trước việc Mỹ tiếp tục bơm tiền và vũ khí cho Ukraine, chính phủ Nga cáo buộc các nước phương Tây "gây chiến tranh ủy nhiệm với Nga", cho rằng máu của thường dân Ukraine tiếp tục đổ là do bàn tay của các nước phương Tây cung cấp vũ khí.
Giới chức Nga cũng cáo buộc Ukraine tìm cách dừng đàm phán và tuân theo sự sắp đặt của phương Tây.
Sau 3 tháng xung đột, giới tình báo vạch ra 3 kịch bản về cục diện chiến sự ở Ukraine. Thứ nhất, Nga tiếp tục lấn dần tại 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Thứ hai, 2 bên trong thế cầm chân nhau, dẫn đến thiệt hại và ảnh hưởng toàn cầu. Thứ ba Nga thu hẹp mục tiêu để tuyên bố chiến thắng và ngừng bắn.
Trong giai đoạn quyết định này, phương Tây phải xem xét kỹ lưỡng những bước hỗ trợ cho Ukraine, bởi 3 tháng qua nhiều đồng minh châu Âu và Mỹ đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ các lệnh trừng phạt Nga như giá dầu, lương thực tăng, cũng như kho vũ khí ngày càng vơi dần.
Giới chức Mỹ và phương Tây đều cho rằng, Nga chưa có dấu hiệu muốn giảm cường độ chiến sự.
Thực tế và nhận định như vậy nhưng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các thành viên sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng và tầm xa cho Ukraine, với gói viện trợ mới dự định sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.