Tàu sân bay Mỹ đối mặt với đe dọa tên lửa siêu vượt âm từ Nga và Trung Quốc

Hoài Thanh |

Tàu sân bay Mỹ đang đối diện với nguy cơ từ các loại vũ khí siêu vượt âm hiện có trong kho vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga. Ảnh: USNI

Tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga. Ảnh: USNI

Phát biểu tại phiên điều trần thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ mới đây, Phó Đô đốc John Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (US MDA) cho biết Hải quân Mỹ đã phát triển được tiềm lực bước đầu để đối phó với mối đe dọa này. Với Mỹ, điều quan trọng là phải có được khả năng đối phó, bởi tên lửa siêu vượt âm đã xuất hiện trên thực tế - ông Hill nói.

Trong vòng vài năm trở lại đây, Nga và Trung Quốc đã phát triển được các loại vũ khí siêu vượt âm đời đầu, có thể bay với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5, tương đương với hơn 6.000 km/giờ) và có thể đặt các cụm tàu sân bay vốn là lực lượng xương sống của quân đội Mỹ trước nguy cơ bị đánh bại.

Khác với tên lửa hành trình siêu thanh vốn là mục tiêu đánh chặn của các tàu lớp Aegis trong đội hình hộ tống tàu sân bay, vũ khí mới của Nga và Trung Quốc có tốc độ nhanh hơn và có cả khả năng thay đổi bất ngờ về quỹ đạo, tốc độ trên hành trình diệt mục tiêu và vì thế khó bị giám sát, đánh chặn hơn.

Nga đã chế tạo và thử nghiệm thành công lửa siêu vượt âm Kinzhal – một mẫu tên lửa đạn đạo ưu việt, có thể được phóng đi từ các máy bay chiến đấu như MiG-31 và Su-34. Moskva cũng đã bắt tay phát triển tên lửa siêu vượt âm Zircon, có khả năng bay với tốc độ từ Mach 6 đến Mach 8, tiêu diệt được cả mục tiêu trên bộ và trên biển.

Tàu sân bay Mỹ đối mặt với đe dọa tên lửa siêu vượt âm từ Nga và Trung Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: PLA.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo DF-17. Loại vũ khí này được quảng bá là có khả năng mang theo đầu đạn dạng tàu lượn siêu vượt âm DF-Z với tính năng tấn công vượt trội. DF-17 có tầm bắn 2.500 km, có thể vươn tới các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc khi được phóng từ nội địa Trung Quốc.

Về cách thức giải quyết mối đe dọa đến từ vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc, ông Hill cho biết MDA sẽ tập trung nâng cao khả năng phòng thủ, đánh chặn ở pha cuối của tên lửa đối phương. Trong định hướng này, ưu thế về thông tin sẽ là điểm then chốt trong tác chiến tương lai.

Tàu sân bay Mỹ đối mặt với đe dọa tên lửa siêu vượt âm từ Nga và Trung Quốc - Ảnh 2.

Tên lửa SM-6 được phóng từ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones. Ảnh: MDA

Phó Đô đốc Mỹ nhận định việc đưa vào sử dụng tên lửa phòng SM-6 và không ngừng nâng cấp vũ khí đánh chặn này là bước đi đúng hướng đầu tiên để chống lại đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm. Hệ thống SM-6 có thể được tích hợp với bệ phóng đa năng Mk 41, có thể đặt trên các tàu chiến lớp Aegis.

Trước đó, MDA cũng từng yêu cầu chuẩn chi 248 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2020 để phát triển tiềm lực chống vũ khí siêu vượt âm. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho chương trình Đánh chặn giai đoạn lượn (Glide Phase Interceptor - GPI) mới.

GPI sẽ được tích hợp với hệ thống cảm biến không gian chuyên theo dõi tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo khi rời khỏi bệ phóng, từ đó truyền thông tin về cho các tổ hợp đánh chặn của MDA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại