Tàu khu trục Mỹ bị đâm: Lộ thêm "tử huyệt" của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Sau vụ đâm va, dư luận Mỹ và các nhà phân tích quân sự đặt câu hỏi, tại sao một tàu chiến hiện đại như vậy lại không thể phát hiện ra mối nguy hiểm đe dọa, dẫu chỉ là thông thường.

Theo hãng tin Mỹ CNN, vào khoảng 2h30 sáng 17/6, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald đã đâm vào tàu chở hàng ACX Crystal của Philippines. Cú va chạm này làm tàu khu trục của Mỹ bị hư hại nặng khiến nước tràn vào tàu, 7 thủy thủ bị chết.

Tàu khu trục USS Fitzgerald là chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.

Sau vụ đâm va, dư luận Mỹ và các nhà phân tích quân sự đặt câu hỏi, tại sao một tàu chiến hiện đại như vậy lại không thể phát hiện ra mối nguy hiểm đe dọa (dẫu chỉ là mối đe dọa thông thường). Lỗi này do con người hay do các thiết bị trên tàu không kịp thời phát hiện những nguy hiểm để kịp thời phát tín hiệu cảnh báo?

Không phải đến vụ va chạm người ta mới "giật mình" phát hiện ra những điểm yếu chết người trên những con tàu chiến hiện đại được trang bị hệ thống Aegis. Nếu một cuộc chiến thực sự xảy ra, những con tàu được trang bị hệ thống này còn bộc lộ những "tử huyệt", được ví là những gót chân Asin mà đối phương có thể triệt để khai thác.

Tàu khu trục Mỹ bị đâm: Lộ thêm tử huyệt của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Fitzgerald

Hệ thống chiến đấu Aegis là sự tích hợp của nhiều thành phần khác nhau, dựa trên một số hệ thống cảm biến riêng biệt để theo dõi các mối đe dọa khác nhau, thành phần chủ yếu của hệ thống này bao gồm:

- Hệ thống radar phức hợp, lấy radar AN/SPY-1 làm nòng cốt, kiểu dáng hình lục giác, tất cả có bốn mảnh, được lắp đặt trên bốn bề mặt tháp chỉ huy của tàu.

- Hệ thống chỉ huy trung tâm MK1, đây là "bộ não" của toàn bộ hệ thống Aegis, chủ yếu đảm nhiệm xử lý tín hiệu, tính toán phương án bắn, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định chỉ huy; hệ thống chỉ huy kiểm soát vũ khí MK1; hệ thống điều khiển hỏa lực MK99;

Hệ thống hỏa lực có thể phóng các loại tên lửa như tên lửa "Standard", "Tomahawk", "Harpoon" và "ASROC" và hệ thống kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu MK1.

Tất cả các hệ thống trên được kết hợp chặt chẽ với nhau, cùng thực hiện tấn công các mối đe dọa trên không; tuy nhiên, những hệ thống nhánh này dù ít hay nhiều đều tồn tại những nhược điểm; những nhược điểm này đã tạo kẽ hở cho tên lửa đạn đạo chống hạm đột phá hệ thống phòng thủ Aegis.

Và những gót chân "Asin" của Aegis…

Radar AN/SPY-1 là một loại radar cảnh báo sớm kiểu mảng pha thụ động, được trang bị trên tàu có lắp đặt hệ thống Aegis, làm việc trên dải sóng S; có thể đồng thời theo dõi 400 mục tiêu và tự động khóa 100 trong số 400 mục tiêu đó.

Loại radar này là sensor chủ yếu của hệ thống phòng không biên đội tàu sân bay; trong điều kiện lý tưởng (không bị chế áp điện tử) độ chính xác cự ly đo là 0,2 mét với cự ly dò tìm mục tiêu trong vòng bán kính khoảng 500 km.

Chính vì thế, để phá vỡ thế phòng thủ của AN/SPY cần phải có những biện pháp. Một trong những biện pháp đối phó hiệu quả nhất khi không thể né tránh phạm vi dò tìm của hệ thống Aegis đó là sử dụng mồi nhử nhiều nhất có thể; mục đích làm nhiễu loạn việc nhận biết mục tiêu của các radar trong hệ thống Aegis, từ đó vô hiệu hóa hệ thống này.

Tàu khu trục Mỹ bị đâm: Lộ thêm tử huyệt của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis - Ảnh 2.

Tàu khu trục USS Jason Dunham (DDG-109) của Hải quân Mỹ.

Do bước sóng của bản thân hệ thống Aegis tương đối dài, không có năng lực tạo ảnh, mà phải dựa vào đặc trưng dội sóng (sóng truyền ngược trở lại) của mục tiêu để phán đoán thuộc tính của mục tiêu, do vậy chỉ cần mồi nhử mô phỏng đầu đạn thật trên có đặc trưng dội sóng của radar sóng S là có thể đánh lừa được radar AN/SPY-1.

Như vậy, khi đối phó với hệ thống radar này, các tên lửa tiến công có thể mang theo nhiều mồi nhử dạng nhẹ và thả ra trong giai đoạn giữa của quá trình bay, từ đó làm cho các radar của Aegis không thể nào phân biệt được đâu là mục tiêu thật, đâu là mục tiêu giả.

Do trọng lượng của loại mồi nhử nhẹ này cực nhỏ, chỉ khoảng 0,5 kg. Tên lửa Topol-M có thể một lần mang theo trên 100 mồi nhử, tên lửa chống hạm DF-21D ít nhất có thể mang theo trên 20 mồi nhử; với số lượng mồi nhử như vậy, thì hoàn toàn có thể qua mặt hệ thống Aegis.

Trong điều kiện rađa AN/SPY-1 không phân biệt được mục tiêu, thì cho dù có phóng tên lửa Standard-3 và phương tiện đánh chặn ở căn cứ trên mặt đất cũng không thể bắn trúng mục tiêu.

Nhược điểm hệ thống kiểm soát chỉ huy MK1 và biện pháp đối phó

Tốc độ xử lý và tính năng phần mềm của hệ thống kiểm soát chỉ huy Aegis thuộc loại tài liệu tuyệt mật, tạm thời chưa có các thông số chi tiết. Tuy nhiên từ góc độ xử lý thông tin cho thấy, sau khi phát hiện tên lửa tấn công, hệ thống Aegis phải trải qua quá trình xử lý và gửi tín hiệu.

Trong đó chắc chắn bao gồm quá trình truyền tải thông tin và xử lý tín hiệu giữa hệ thống kiểm soát chỉ huy MK1 và tên lửa đánh chặn. Chính điều này đã tạo nên nhược điểm của tàu trang bị hệ thống Aegis.

Bởi nếu tín hiệu thông tin gặp sự cố thì không thể điều khiển tên lửa tiến hành đánh chặn, hoặc bản thân phương pháp lọc tín hiệu tồn tại những kẽ hở thì việc đánh chặn cũng sẽ thất bại.

Trên thực tế, trong nhiều cuộc thử nghiệm đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo quốc gia Mỹ, có không ít lần gặp thất bại do tên lửa và hệ thống chỉ huy mặt đất gặp sự cố. Do đó gây nhiễu hệ thống thông tin được coi là một trong những biện pháp hiệu quả để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Ngoài ra, phương pháp lọc tín hiệu của hệ thống chỉ huy kiểm soát MK1 thông thường là phương pháp lọc Kalman, mà nhược điểm của phương pháp lọc này là quá phụ thuộc vào trạng thái đã qua của mục tiêu. Một khi mục tiêu bị che lấp thời gian dài sẽ dẫn đến đánh mất mục tiêu. Do vậy, có thể thông qua phương pháp chiến thuật tiến hành gây nhiễu.

Về phương pháp cũng sử dụng lượng lớn mồi nhử để đánh lừa, làm cho hệ thống khó phân biệt được đâu là mục tiêu thật, đâu là mục tiêu giả, từ đó làm cho phương pháp lọc Kalman mất đi tính chính xác hoặc có thể sử dụng thiết bị gây nhiễu để gây nhiễu thông tin trao đổi giữa Aegis và tên lửa đánh chặn, làm cho tên lửa mất điều khiển.

Tàu khu trục Mỹ bị đâm: Lộ thêm tử huyệt của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis - Ảnh 3.

Bên trong Trung tâm chỉ huy của một tàu chiến Mỹ.

Và đến nhược điểm của hệ thống vũ khí

Về phương diện đánh chặn tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay, vũ khí chủ yếu mà tàu được trang bị hệ thống "Aegis" sử dụng gồm 5 loại:

Tên lửa đánh chặn "Standard"-3; tên lửa đánh chặn "Standard"-2; tên lửa tầm gần RIM-162 "Sea Sparrow"; Hệ thống phòng thủ tên lửa hạm đối không "RAM"; Hệ thống phòng thủ tầm cực gần "Phalanx" (MK-15; có thể trong tương lai có thể sẽ có hệ thống phòng thủ tầm gần la-de và pháo điện từ).

Năm loại vũ khí này đã cấu thành nên tổ hợp vũ khí tác chiến nòng cốt của hệ thống Aegis. Tuy nhiên, loại trừ tên lửa Standard-3 sử dụng phương thức sát thương va chạm để trực tiếp phá hủy đầu đạn của tên lửa tấn công; các loại tên lửa còn lại đều sử dụng loại đầu nổ kiểu sát thương phân mảnh.

Vì đầu nổ của tên lửa đạn đạo thông thường tương đối vững chắc, hơn nữa lại di chuyển với tốc độ cao, cho dù các vũ khí trên có bắn trúng mục tiêu cũng khó có thể thay đổi được đường bay đầu đạn hoặc phá hủy được đầu nổ của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo chống hạm nếu sử dụng chiến thuật tấn công từ nóc [tàu], tăng góc tấn công khi tấn công tàu sân bay hoặc thay đổi quỹ đạo bay và cơ động trong giai đoạn cuối thì có thể giảm thấp khả năng bị hệ thống phòng thủ giai đoạn cuối của biên đội tàu sân bay đánh chặn.

Còn để chống lại mối đe dọa của tên lửa Standard-3, tên lửa tiến công sẽ dùng mồi nhử để cho đầu nổ thật vượt qua an toàn ở khu vực đánh chặn hiệu quả của loại tên lửa này.

Và quảng cáo khi chỉ là… quảng cáo

Với loạt tính năng vượt trội, Hải quân Mỹ tự tin cho rằng Aegis là hệ thống chiến đấu tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phân tích những điểm mạnh, yếu của từng hệ thống nhánh của Aegis chúng ta nhận thấy hệ thống này cũng không thể là loại vô đối mà còn vô số những "lỗ hổng" chết người mà đối phương có thể lợi dụng tiếp cận.

Nhất là hiện nay, việc Trung Quốc và Nga đang triển khai phương án chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) với việc triển khai một loạt vũ khí chống cụm tàu sân bay như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc, tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon của Nga rất có thể sẽ làm vô hiệu hóa hệ thống Aegis bố trí trên các tàu chiến Mỹ và đồng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại