Tàu đổ bộ Type 075 sẽ mở ra ‘kỷ nguyên’ mới cho Hải quân Trung Quốc?

Đức Trí |

Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm tàu đổ bộ lớn nhất châu Á, nhưng nó có phát huy được tác dụng hay không trong bối cảnh chiến tranh hiện đại vẫn còn là vấn đề.

Trung Quốc đã bước đầu thực hiện được kế hoạch “đắt đỏ” khi đưa tàu đổ bộ tấn công Type 075 đầu tiên ra biển thử nghiệm. Hôm 5/8 tàu đổ bộ tấn công Type 075 đã rời xưởng đóng tàu Hỗ Đông Thượng Hải theo sông Hoàng Phố tiến ra biển Hoa Đông.

Tàu đổ bộ tấn công Type 075 là tàu đổ bộ tấn công đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo. Đây là loại tàu đổ bộ tấn công mặt boong bằng loại hình lớn với lượng giãn nước 30.000 tấn, có khả năng mang theo 20 máy bay trực thăng cùng xe thiết giáp và tàu đệm khí.

Sau khi được biên chế, tàu đổ bộ tấn công Type 075 được xem là "động cơ" để nâng cao được khả năng đổ bộ tấn công và đa dạng hóa năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc, lấp đầy sự "thiếu hụt" về năng lực hạn chế trong vận chuyển các phân đội trực thăng trong quá trình cơ động tác chiến.

Con tàu này được đánh giá là ngang hàng với tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp của Mỹ. Nếu Trung Quốc sở hữu máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn, thì con tàu này có thể được sử dụng như một tàu sân bay hạng nhẹ.

Với tư cách là tàu đổ bộ mang trực thăng lớn nhất châu Á, Type 075 có thể chở 30 trực thăng, từ phiên bản tàu chiến của Z-8 đến Z-20 hải quân, cũng như một số lượng lớn xe tăng lội nước, xe bọc thép, tàu cao tốc và hàng trăm lính thủy quân lục chiến.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-10, pháo phòng không tầm thấp và hệ thống radar cảm ứng tốc độ cao do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.

Con tàu đầu tiên được hạ thủy vào ngày 29/5/2019. Hiện, Trung Quốc đã hạ thủy 2 chiếc tàu loại này, trong đó con tàu đầu tiên được thử nghiệm hôm 5/8. Theo kế hoạch, chiếc thứ hai sẽ được thử nghiệm vào tháng 6/2021.

Hải quân Trung Quốc thông báo, sau khi thử nghiệm thành công và biên chế "lứa" 075 đầu tiên, Trung Quốc sẽ tiến hành đóng "lứa" 075 thứ hai và tiến tới mục tiêu đóng tàu đổ bộ tấn công loại hình mới toàn năng hơn, Type 076.

Tàu đổ bộ mới này đánh dấu bước nhảy vọt về sức mạnh Hải quân Trung Quốc, nhất là năng lực tác chiến đổ bộ tầm xa.

Giới quân sự phương Tây cho rằng, sau khi hoàn thành thử nghiệm, con tàu đầu tiên này rất có thể sẽ được biên chế cho Hạm đội Nam Hải để củng cố các yêu sách của nước này ở Biển Đông – vốn đang chịu nhiều phản đối gay gắt.

Tàu đổ bộ Type 075 sẽ mở ra ‘kỷ nguyên’ mới cho Hải quân Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tàu đổ bộ tấn công Type 075 của Trung Quốc thử nghiệm trên biển Hoa Đông. Nguồn: Sina

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Type 075 khó có thể được biên chế vào hải quân Trung Quốc trong thời gian ngắn. Là thế hệ tàu sân bay trực thăng nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Type 075 sẽ phải trải qua nhiều năm thử nghiệm trong các điều kiện ngặt nghèo để bảo đảm khả năng vận hành.

Thủy thủ và phi công hải quân Trung Quốc cũng cần được huấn luyện chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ trên tàu sân bay trực thăng, loại vũ khí chưa từng xuất hiện trong lực lượng này.

Trước thập niên 1990, Hải quân Trung Quốc chỉ đóng vai trò thứ yếu so với Lục quân. Từ thập niên 1990 đến nay, lực lượng hải quân được Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa.

Trong đó, kỹ thuật đóng tàu của hải quân Trung Quốc nay đã tiến rất xa với sự giúp đỡ của Nga, và các khu trục hạm mới nhất của Trung Quốc sử dụng trang bị nội hóa có chất lượng không kém so với tiêu chuẩn phương Tây.

Các tàu đổ bộ tấn công Type-075 và Type-071 sẽ giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể khả năng tác chiến trên biển, tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả tác chiến của những tàu trong môi trường chiến tranh hiện đại nhiều mối đe dọa như hiện nay.

Bên cạnh đó, chi phí và thời gian bỏ ra để đóng loại tàu này cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ Alex Alden cho rằng, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/D2) và những nước khác có thể áp dụng những biện pháp đối phó, khiến tàu đổ bộ trở thành một khoản đầu tư tốn kém và thiếu hiệu quả.

Trung Quốc sẽ phải tìm cách triển khai thêm những tàu chiến để bảo vệ những tàu đổ bộ, vốn có khả năng phòng thủ rất yếu. Vì vậy, chi phí sẽ đội lên nhiều lần và hạn chế hoạt động của chúng.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn quyết tâm xây dựng hạm đội tàu sân bay và nhóm tàu đổ bộ với quy mô lớn. Quyết tâm trên được thể hiện rõ từ khi Bắc Kinh đóng tàu lớp Type-071.

Cho tới khi hoàn thành một phần trong kế hoạch đóng tàu đổ bộ tấn công Type-075, có thể thấy Trung Quốc đang mong muốn có một lực lượng đổ bộ lớn hơn nhằm tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại