Gần đây, thông tin các thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy trung ương Trung Quốc (DICP) đã được huấn luyện và chia thành 10 tổ kiểm tra để phái đến các đơn vị và chiến khu quân sự đã nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông quốc tế
Trước đây, DICP luôn nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) do ông Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đứng đầu và Quân ủy Trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.
Tuy nhiên, trang Đa chiều hôm 5/5 chỉ ra, thông qua lần đầu tiên tự tổ chức 10 tổ thanh tra đến các cơ sở cho thấy DICP đã trở thành đơn vị chống tham nhũng chuyên biệt của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Điều này chứng tỏ, ủy ban chống tham nhũng trong quân đội này đã tách khỏi sự chỉ đạo trực tiếp của CCDI mà nằm hoàn toàn trong tay PLA cũng như nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Như vậy, ông Tập sẽ có quyền chỉ đạo trực tiếp và nắm quyền "sinh sát" khi triển khai chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, dư luận cũng có thể khẳng định, địa vị của cơ quan này không ngừng được nâng cao trong hệ thống quân đội của ông Tập.
Ủy ban này hiện đã có thể tự mình gánh vác trọng trách và đóng vai trò quyết định trong những quyết sách quan trọng về lĩnh vực chống tham nhũng trong quân đội.
Trong bài phát biểu tại buổi huấn luyện thanh tra vừa qua, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng cho rằng:
"DICP nên hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát theo mô hình mới. Đồng thời không ngừng xây dựng tác phong đảng nghiêm túc trong quân đội và tạo dựng cục diện mới trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng".
Từ nay, các "hổ béo" trong PLA sẽ do DCIP phụ trách, không qua CCDI? (Ảnh: Đa Chiều)
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã đánh giá, tổ chức các đoàn thanh tra đến cơ sở chứng tỏ ủy ban này đã được nâng tầm thành cơ quan lãnh đạo, có đủ quyền lực giữ vững địa vị về lĩnh vực thanh kiểm tra, tăng cường giám sát quyền lực trong quân đội.
Được biết, việc tổ chức thanh tra các cơ sở quân sự là một phần trong quyết sách quan trọng phục vụ cho chiến dịch cải cách toàn diện quân sự của ông Tập Cận Bình.
Động thái "trảm đao" bất thường này của ông Tập đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc.
Đặc biệt, trước khi động thái mới này diễn ra, dư luận Trung Quốc có không ít quan điểm cho rằng, sau khi thành lập 5 đại chiến khu, chiến dịch cải cách quân đội của ông Tập đang có dấu hiệu "chìm xuồng".
Do đó, việc cử các tổ lãnh đạo đến khảo sát tại các đơn vị cơ sở sẽ có ý nghĩa tích cực trong chiến dịch cải cách quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc.