Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học New England Jornal of Medicine (NEJM) cho thấy những bệnh nhân có hạt vi nhựa tồn tại trong các mảng bám lòng mạch sẽ có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong do mọi nguyên nhân tăng 4,5 lần sau 34 tháng.
Nhóm khoa học gia Ý - Bỉ - Mỹ, dẫn đầu bởi TS Raffaele Marfella từ Đại học Campania Luigi Vanvitelli (Ý) đã tiến hành một nghiên cứu quan sát đa trung tâm trên những bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh.
Đây là phẫu thuật giúp loại bỏ các mảng xơ vữa vốn có thể là tiền đề cho các biến cố tim mạch nguy hiểm hàng đầu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Phân tích mảng xơ vữa lấy từ cơ thể 257 bệnh nhân, họ tìm thấy sự hiện hiện của các hạt vi nhựa polyethylene ở 150 trường hợp, tức 58,4% số bệnh nhân.
31 bệnh nhân (12,1%) có cả sự hiện diện của polyvinyl clorua (PVC) có thể đo được.
Các hạt vi nhựa này có cạnh lởm chởm, nằm rải rác giữa các đại thực bào của mảng bám và cả trong những mảnh vụn trong mạch máu.
Phân tích sâu hơn đã cho thấy mức độ gia tăng đáng báo động của nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch chết người cũng như nguy cơ tử vong sớm ở những người sở hữu các mảnh vi nhựa đáng sợ này.
Mặc dù nghiên cứu chưa khẳng định vi nhựa là thứ làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, tử vong sớm, nhưng đã đặt ra một số câu hỏi cấp bách.
Theo Science Alert, trước đó từng có các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm cho thấy hạt vi nhựa nếu tồn tại trong máu có thể gây viêm và stress oxy hóa trong tế bào tim, dẫn đến suy giảm chức năng tim, thay đổi nhịp tim...
Sản xuất nhựa đã bùng nổ trong 2 thập kỷ vừa qua với chỉ một phần nhỏ đồ nhựa được làm ra được tái chế sau đó.
Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa đang xâm nhập khắp nơi, phá hoại môi trường đất và biển, đi vào cơ thể người - từ các mạch máu đến nhau thai - đem lại nhiều lo lắng mới.